Trong khi đọc

Mình đọc tương đối kỹ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê vì cực kỳ quan tâm đến chủ đề “những lựa chọn trong đời”.

Đọc từ những ngày đầu ổng đi làm công tác đo đạc cho tới giáo viên cho tới viết lách, thì thấy, chưa bàn đến chuyện Nguyễn Hiến Lê đáng kính hay không (tuỳ quan điểm), thì sống trong đời, có được chuỗi lựa chọn dẫn mình đến đúng nơi cần đến quả không hề dễ dàng.

Cái thú vị là thời của Nguyễn Hiến Lê, như ông tả, có rất nhiều điểm tương đồng với thời nay (theo mình). Ít nhất mình thấy những điểm sau: trường tư mọc lên như nấm, việc làm cho giáo viên bát ngát, xuất bản nở rộ, viết lách ra tiền, dễ thành tác giả, các NXB săn đón, cần tác giả, ngoại ngữ được sính, tiếng Việt le lói lấy lại vị trí quan trọng của tiếng mẹ đẻ trong bối cảnh bão hoà tiếng Anh.

Hẳn nhiên là Nguyễn Hiến Lê đều đã từng làm tốt ở các vai trò trước đây. Ví dụ khi đi dạy, ông là một người thầy kỷ luật, biết giúp học sinh tự học, dạy kỹ, được các chủ trường thiết tha giữ lại. Nhưng đến một thời điểm, ông đã từ chối. Vì sao thì bạn kiếm sách đọc nha!

Tưởng rằng trong thời khó khăn, hay khi ế ẩm “hết duyên đi sớm về trưa một mình” mới cần nhiều kỹ năng để lập thân ư? Không. Chính trong thời buổi “đắt sô” nhất, ta càng cần nhiều ơi là nhiều kỹ năng. Trong đó có kỹ năng vô cùng khó học, là Từ Chối. Có những cái gật đầu không hề vô thưởng vô phạt. Càng đọc tới những chương sau, lúc Nguyễn Hiến Lê có tên tuổi và được săn đón nhiều hơn (bởi cả người đứng đầu chính quyền), ta càng thấy ông từ chối nhiều hơn và phải có gấp đôi gấp ba dũng khí để chối từ (vì có thể sẽ bị lên án, ghét bỏ, trừng phạt).

Mình đã trải nghiệm việc từ chối quá nhiều những điều gây xao lãng, ngay cả khi chưa hề có chút tên tuổi (giờ vẫn không có tên tuổi hihi). Nhất là trong một năm rưỡi gap year, những lời mời hấp dẫn ít nhiều cũng có, mà dưới danh nghĩa “giúp đỡ” cũng có, mà tính mình hồi đó thì cục cằn lắm, mình hay khó chịu với trường hợp thứ hai. Có những sự kết nối sẽ mở ra cơ hội tiếp cận người này người kia, có tên ở chỗ này chỗ nọ, nhưng mình thấy chưa đủ sức mình sẽ không thể nhận (xin cám ơn những người đã kết nối cho mình). Có những công việc, mình để người ta năn nỉ tới cuộc gọi thứ ba. Vậy mà sau này ngẫm lại, mình thấy những cái gật đầu vì nể nang kiểu gì cũng khiến con đường của mình vô cùng dở dang. Mình không đo những thứ được - mất bằng tiền. Rất nhiều tiền thì có thể sẽ vân vi một tẹo, một tẹo thôi, vì tiền có thể mua được chút xíu tự do, cái quý nhất vẫn là cái đấy. Nhưng rồi tiền nào cũng có giá hết!

Có người bạn nọ hồi xưa hay khoe với mình là được chỗ này săn đón, chỗ kia o bế, đòi bỏ đi có chỗ này giữ lại, chỗ kia động thái quan tâm. Những thông tin đó thông thường không có ý nghĩa gì với mình cả. Ngày mình quyết định nghỉ chỗ làm đầu tiên, hết người này tới người kia thuyết phục, trực tiếp hoặc nhắn tin, tới ngày cuối mình làm vẫn còn email mong mình nghĩ lại, sau khi nghỉ làm hơn một năm vẫn tiếp tục rủ về. Nhưng những điều đó không có ý nghĩa gì với mình cả. Họ làm thế vì nhiều mục đích. Giá trị của ta không đo bằng số người crush ta.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?