Mùa hè lười biếng
Một mùa hè lười biếng như bao mùa hè lười biếng khác trong quá khứ. Bài dưới đây sẽ lặp lại rất nhiều ý mà mình từng nói nhiều lần trên blog này nếu ai theo dõi. Nhưng mình vẫn nói lại một lần nữa để nhắc bản thân.
Còn nhớ, hồi mới đi làm mình hạ quyết tâm, có lần nói thẳng với lãnh đạo trường cũ: hè nào em cũng phải về với mẹ, em không tham gia gì hết. Mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tỏ ra mẫn cán và thi thố với đời.
Dạo nọ công việc bấp bênh, mình về hè hai tháng tròn. Chị hỏi mình: sao hè không vào sớm kiếm việc mà làm. Mình thầm nghĩ: mỗi chúng ta đều tích lũy điều gì đó cho hành trang của mình, có người là tiền, có người là kinh nghiệm công việc. Sao biết rằng ngồi yên tại quê nhà không phải là cũng đang tích lũy một điều gì?
Cuộc sống ngày một nhanh, con người sẽ đi thật xa. Sợi dây nối với gia đình và gốc gác của mỗi người, nếu không chủ động tạo ra những mối nối, thì chỉ có cách nhìn nó lỏng lẻo dần, đứt dần. Khoảng cách thế hệ và văn hóa là xung đột ai cũng dễ nhìn thấy, nhưng ta làm gì với nó sau khi nhận ra mới là điều quan trọng.
Mình cho rằng gia đình không chỉ là chuyện nghĩa vụ hay sự tự hào hay thói quen, nó là một yếu tố quan trọng trong việc xác định căn cước, bản thể của mỗi người, là nền văn hóa gắn với ta, ảnh hưởng sâu sắc đến các lựa chọn trong đời.
Về cơ bản ta sẽ làm được mọi điều ta muốn, các mục tiêu ta đặt ra rồi ta sẽ chinh phục được thôi. Nhưng (cá nhân mình nghĩ) chỉ ai cảm thấy hòa hợp được với nền văn hóa của anh ta, người đó mới thực sự hạnh phúc và may mắn. Có lần mình đọc được bài báo về một anh chiến sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, để lại bao nhiêu lá thư mà lá thư nào cũng chan chứa niềm ước mong những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, điều cuối cùng anh nghĩ đến khi chết cũng là gia đình. Làm nghĩa vụ với đất nước và giữ trong tim tình cảm đẹp riêng tây, đó là người may mắn vì tìm được tiếng nói chung với gia đình, nền văn hóa và thời cuộc của anh ta, không mãi khổ đau vì những chuyện riêng tư nhỏ nhặt như bao người trẻ trong đó có mình đang mắc kẹt.
Và từ đó mình luôn chú ý để mỗi lựa chọn của bản thân phải được cân nhắc dựa trên những người hệ trọng trong đời mình. Mà những người như vậy đôi khi chỉ có bốn năm người thôi. Làm như vậy bỗng nhiên thấy hạnh phúc thỏa mãn. Ta không còn làm một việc chỉ để cho người đời trầm trồ.
Đã mười tám năm xô dạt khỏi quê hương, sợi dây đó cứ mãi mãi bền chặt xoắn xuýt, đi trong thị trấn tuổi thơ tim cứ mãi rung lên nói rằng đây là nơi mình thuộc về, từng điệu cười giọng nói không thể nào mà trở nên phai nhạt lạ lẫm cho được, nó luôn thân thương kỳ diệu. Những món ăn quê, cắn miếng nào cũng nghe thổn thức. Dĩ nhiên mình cho rằng quê mình và gia đình mình có những điều đặc biệt khiến cho người nào từng ghé thăm và hiểu về nó sẽ yêu mến, mình không chắc rằng miền quê nào cũng gợi nên những cảm nhận như mình đang có. Nên nếu ai muốn mình kể kỹ hơn thì cmt để mình viết bài khác.
Từ hồi đi học đã rất xúc động khi được học những bài như "Hồi hương ngẫu thư" của Hạ Tri Chương. Xa quê đủ lâu, lang thang đủ nhiều, cái nỗi niềm khi trở lại nó cũng có sự sâu sắc, ngùi ngẫm, thấm thía y như vậy. Mình hay nhìn những xung đột của giới trẻ với nơi anh ta sinh ra như một biểu hiện của việc anh chưa thật sự hiểu hết cái đơn giản mà cực kỳ sâu sắc của quê và người quê. Vì mình có niềm tin vào con người, rằng mỗi cách thế tồn tại và tư duy đều có lý do của nó, có sự thông thái riêng của nó. Không phải cứ ở quê là tọc mạch, vô duyên, nông cạn. Trong cuốn "Hãy chăm sóc mẹ", tác giả nói mỗi người mẹ như một cuốn sách, nhìn qua tưởng đã hiểu và dễ hiểu nhường nào vậy mà lật mỗi trang sách lại không khỏi bất ngờ. Quê hương chúng ta cũng vậy. Chỉ hy vọng rằng khi ta lật đến những trang cuối và hiểu sâu hơn mọi thứ, lúc đó chưa quá muộn.
Nhận xét
Đăng nhận xét