Giao tiếp với trẻ, những điều nên tránh

Từ công việc hàng ngày tại một ngôi trường khuyến khích sự tự do ở trẻ em, Hà quan sát thấy một số vấn đề trong giao tiếp với trẻ và ghi chép lại, vừa để làm tư liệu cá nhân, vừa để chia sẻ cho những ai thấy hữu ích.
Theo Hà, việc liệt kê ra các nguyên tắc cư xử với trẻ em hơi khó, vì mỗi người bằng bản năng và tình thương và quan điểm giáo dục riêng sẽ lựa chọn những cách khác nhau. Thay vào đó, có thể liệt kê những điều nên tránh trước.
1. Nói lớn tiếng
Khi trẻ đang giận dữ, khóc hoặc la hét, điều tối kỵ là người lớn cũng lớn tiếng theo. Dù là để can ngăn, can thiệp, hay nghiêm khắc kiểm điểm trẻ, thì cũng không nên lớn tiếng.
Người lớn lớn tiếng với trẻ chỉ tạo ra những cảm xúc tiêu cực hơn ở trẻ, tạo ra một cuộc tranh chấp không ngừng giữa nhiều bên.
Một điều đơn giản có thể làm ngay lúc đó, là hạ giọng xuống, bình tĩnh hỏi xem trẻ đang gặp chuyện gì. Điều này vừa giúp trẻ cảm thấy được quan tâm, vừa khiến trẻ kiềm chế hơn.
Phản xạ tự nhiên của trẻ khi thấy người đối diện hạ tông giọng, là chúng cũng hạ tông giọng. Bởi trong sâu xa, trẻ lớn giọng hay phản ứng thái quá chỉ hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ. Nếu người lớn dịu dàng nhỏ nhẹ, chúng cảm thấy không còn bị đe doạ hay gặp nguy hiểm, phản ứng tự vệ sẽ không còn.
Bên cạnh việc tự hạ giọng mình, bạn cũng có thể nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng:
“Con nói chậm lại để cô có thể nghe rõ hơn nhé!”
“Con nói nhỏ lại một chút nhé, nói nhỏ là cô đủ nghe rồi. Nếu nói to vậy, mình sẽ mệt đấy!”
“Con ngồi xuống thoải mái rồi nói chuyện nhé!”
“Có thể ngừng nhăn trán rồi từ từ kể lại cho cô không nè!”
2. Chỉ tay vào mặt trẻ, đứng chống nạnh nói chuyện với trẻNgười làm giáo dục thường sử dụng những hành động này để thể hiện quyền uy. Tuy nhiên, chúng tạo ra một hình ảnh không đẹp chút nào ở người thầy, người cô.
Chỉ tay vào mặt hay đứng chống nạnh khi nói chuyện với trẻ tạo ra cảm giác trẻ bị đe doạ. Ngoài ra, chúng không giải quyết được triệt để vấn đề mà chỉ khiến trẻ tuân phục vì sợ hãi.
Ở nhiều nước tiến bộ, người lớn thậm chí còn được khuyến khích quỳ xuống để tạo ra vị thế ngang bằng về chiều cao khi nói chuyện với trẻ, khiến chúng có cảm giác gần gũi, được lắng nghe.
Cần tránh tạo ra nỗi sợ uy quyền ở trẻ càng nhiều càng tốt.
3. Những kiểu câu nên tránhKiểu câu đe doạ: “Nếu con không …, con sẽ bị …”Kiểu câu này khuyến khích trẻ hành động vì nỗi sợ. Đây cũng là một dạng đưa mệnh lệnh một chiều, thiếu đối thoại, không khiến trẻ cảm thấy thuyết phục và vị nể trong thâm tâm.
Cũng nhằm mục đích đưa ra hình phạt, người giáo viên có thể sử dụng những cách nói khách quan hơn:
“ Trường mình có quy định …”
“Nếu con vi phạm điều này, theo quy định của trường, con sẽ phải …”
Ngoài ra, giáo viên có thể xem xét các cách phạt trẻ tích cực hơn. Ví dụ như gợi ý trẻ làm một việc tốt khác để được “xí xoá” lỗi lầm. Khi con vứt rác, thay vì la mắng, cằn nhằn, hoặc phạt ngay, giáo viên có thể gợi ý trẻ gom rác trong một phòng nào đó, hoặc quét, lau căn phòng đó, để được bỏ qua.
Kiểu câu ra lệnh: “Con đi lên/đi ra/ăn/đưa đồ … ngay cho cô”Những mệnh lệnh không căn cứ, đặc biệt là những mệnh lệnh buộc trẻ phải ngừng trò chơi, giao nộp đồ, hoặc tước bỏ một quyền lợi nào đó trẻ hiện có, sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực. Trẻ sẽ sợ hãi. Nguy hiểm hơn, trẻ sẽ bắt chước rất nhanh cách nói này của người lớn. Khi gặp các bạn nhỏ, yếu hơn, trẻ cũng sẽ có xu hướng ra lệnh như vậy. Bởi tâm lý chung, bất kể người lớn hay trẻ em, ai cũng muốn có cảm giác quyền uy.
Đặc biệt, giáo viên cần hết sức tránh dùng các câu ra lệnh trống không, thiếu chủ ngữ vị ngữ, ví dụ: “Đưa đây!”, “Đi ra!”, “Đứng lên!”.
Thay vì ra lệnh như trên, giáo viên nên dùng những cách đưa yêu cầu tích cực hơn như: nhờ trẻ giúp đỡ, dùng một câu có cấu trúc “Vì … nên …”, “Để … thì …”.
Kiểu câu chê bai, dán nhãn: “Con rất hư”, “Con là quậy nhất lớp này rồi đó”, “Con bị tăng động”, …Dù trực tiếp nói với trẻ hay chỉ là trao đổi với ba mẹ, thầy cô khác, cần hết sức tránh việc dán nhãn cho trẻ.
Mỗi đứa trẻ yếu mặt này sẽ mạnh mặt kia và ngược lại. Không có một cái “nhãn” nào có thể đánh giá đúng con người trẻ.
Ở độ tuổi chưa có tư duy phản biện, trẻ bị dán nhãn, quy chụp sẽ cảm thấy bản thân mình rất tồi tệ. Dù ngay tại thời điểm đó, trẻ có cãi lại, thì trong thâm tâm trẻ vẫn bị cái nhãn “hư”, “quậy”, “tăng động”, … ám ảnh. Việc dán nhãn dễ làm suy giảm sự tự tin ở trẻ.
Hãy cho trẻ những nhận xét khách quan hơn. Phê bình trẻ cần nghiêm khắc, nghiêm túc, công tâm. Sau đó, phải tranh thủ cơ hội cho trẻ thấy rằng giáo viên cũng thừa nhận và khuyến khích các điểm mạnh trẻ có chứ không kỳ thị.
4. Gọi điện hoặc than phiền trực tiếp với người thứ ba trước mặt trẻDù là người lớn hay trẻ con, cảm giác có những người khác đang bàn tán về mình, lại là bàn về cái sai của mình, không dễ chịu chút nào.
Đối xử công bằng và khách quan với trẻ, đó là nếu đây là vấn đề giữa cô/thầy và con, thì chúng ta sẽ cùng giải quyết, không lôi kéo thêm bên thứ ba. Khi lôi kéo bên thứ ba, trẻ sẽ lập tức cảm thấy yếu thế, rơi vào thế “hai đánh một”.
Nếu chia sẻ với phụ huynh về vấn đề của trẻ, hãy thật khéo léo, đừng để trẻ cảm thấy bị đe doạ. Nên giao tiếp với tâm thế cùng nhau tìm ra cách tốt nhất để giúp trẻ, hạn chế “mắng vốn”, than phiền, vì như vậy chỉ càng bộc lộ sự bất lực của nhà giáo dục.
5. Đem những biểu hiện xấu của trẻ ra để tám chuyện, than phiền và chê bai trong nhóm giáo viênTrẻ chưa tốt, chưa hoàn thiện, đó là lý do chúng cần đến chúng ta. Là các nhà sư phạm, điều tối kỵ là đem điểm xấu của trẻ ra bàn tán chỉ nhằm mục đích giải toả sự khó chịu, chê bai trẻ. Điều đó chỉ càng làm lây lan ác cảm về trẻ trong nhóm giáo viên, và bộc lộ sự yếu kém của người thầy người cô vì không ai có thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách chê bai.
Những cuộc trao đổi trong nhà trường nên đi theo hướng chia sẻ vấn đề, cùng giúp đỡ nhau tìm cách giải quyết. Muốn vậy, cần có sự bao dung, khách quan, hạn chế dán nhãn học sinh.
Kết luận1. Đừng xem trẻ con chỉ là trẻ con. Giao tiếp với trẻ bằng sự bình đẳng và tâm thế làm bạn.
2. Đừng dùng lời nói, hành động gây tổn thương và có tính bạo lực, chỉ vì sợ rằng: “Không làm thế thì trẻ sẽ hư”. Luôn có một cách nói và làm ôn hoà, bất bạo động nào đó, chỉ là ta chưa tìm ra mà thôi.
3. Không có bất kỳ cách xử lý nào gây ra hiệu quả tức thì. Tác động lên trẻ cần sự bình tĩnh và kiên nhẫn, chờ trẻ thay đổi từ từ. Đừng nôn nóng muốn trẻ tuân phục ngay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?