10/8
1. Hôm nay mình phát hiện ra hai túi hành tăm mẹ gửi bị mốc đen sì do mình quên mang nó ra khỏi túi nilon, để nó nằm trong cái túi ẩm ướt, đọng nước đó năm ngày. Xót hành của mẹ, mình tìm mọi cách cứu vãn. Mình đổ hành vào rổ sắt, đặt dưới vòi nước mạnh, chà xát cho bong hết lớp vỏ lụa và lớp mốc, rồi đong đưa kheo khéo cho mấy cái thứ đó trôi đi theo nước trong chậu. Cứ như vậy, hết ba bốn lượt, vì hành rất là nhiều. Cuối cùng cũng lọc ra được những củ hành bé xíu trắng trẻo chưa hề hấn gì. Mình đổ ra hộp bằng bìa các tông, bật quạt hong khô từ sáng tới tối. Cảm thấy thật vui vì không phụ công mẹ, lại có thêm một kinh nghiệm xử lý đồ ăn hư.
Trong lúc "cứu hành", mình chợt nhớ, mẹ mình rất hay làm những việc như thế. Mẹ luôn tỉ mẩn với những món đồ ăn mộc mạc, nhỏ xinh, tiếc từng cọng rau, củ lạc. Dù mẹ làm công việc tính toán ở công sở cả đời, cũng có những khi kinh tế thật là khấm khá, nhưng cuối cùng mình vẫn cảm thấy mẹ phù hợp với hình ảnh "nhà quê" đó nhất. Khi làm cỏ, hái rau, đào củ, bón phân, tưới nước, hẳn mẹ đã thấy trong lòng rất nhẹ nhõm. Mẹ sẽ nghĩ tới mấy chục năm căng thẳng ở cơ quan, rốt cuộc tại sao cuộc đời lại phải căng thẳng như vậy? Có khi nào mẹ đã ở nhầm chỗ, làm nhầm việc, sống nhầm một phần đời hợp với người khác hơn là mình?
2. Nghĩ như vậy thì mình thấy quanh đây, rất nhiều người cũng có thể đang ở nhầm chỗ. Nhưng có hề hấn gì đâu, khi chính họ chẳng bao giờ đặt câu hỏi về điều đó hay có nhu cầu trở về đúng chỗ của mình.
3. Hôm nay mình dạy một cậu nhóc. Cuộc sống của cậu loanh quanh tới trường, về nhà. Trường học là những giờ học mòn mỏi ngóng breaktime, còn nhà là phòng riêng tiện nghi đóng kín cửa, wifi đủ mạnh và một chiếc iPad đủ mượt mà. Nhà còn là những giờ học thêm cũng mòn mỏi ngóng breaktime không kém, vì bao nhiêu tin nhắn vừa nãy đã kêu tin tin vẫn đang đợi chờ, bao nhiêu điều mới đang diễn ra ở thế giới phía trong mấy chục cm vuông màn hình, chúng đang thay đổi từng giờ, mới lên từng phút, biến chuyển từng giây. Ngồi ở đây học bài, với cậu, khó ở lắm, giống như là mình đang bị bỏ rơi, bị cho ra rìa, bị nằm ngoài một thế giới sôi động.
Nhà cậu nằm trong một khu phố giàu có, nơi hay đi với các mỹ từ: “văn minh”, “dân trí cao”. Bước chân xuống dưới là thấy Tây. Còn đứng trên ban công, có thể trông rõ những mái nhà liền kề phố san sát. Có ai từng đứng trên lầu cao chung cư mấy chục tầng này, đặt ước mơ xuống dưới những mái nhà phố đáng giá chục tỷ đó? Mình đồ rằng ước mơ của người thành phố cũng chỉ tầm thường như thế mà thôi.
Nhà cậu có cửa sổ nhìn ra một quang cảnh rộng của quận 7. Dưới đó có gì? Một bức tranh hổ lốn màu sắc nhợt nhạt. Màu của xi măng, sắt thép, bê tông, nhựa đường. Của những công trình đang vươn cao không ngừng giữa một vùng đất ngày càng lên giá, "đáng sống". Của những chắp vá, lổn nhổn mà các đầu óc thiển cận đang đắp điếm lên thành phố này, hay nói cách khác là tàn phá nó, tạo nên một cảnh quan xấu xí. Chợt mình nghĩ, cậu nên ghen tỵ với đám trẻ con nhà quê, như mình từng là, và những đứa trẻ gần nhà mình đang là. Chúng sống ở nơi mà thiên nhiên hào phóng; màu xanh, cây cối, gió, ánh trăng, sông nước, không gian vô cùng, vô cùng hào phóng. Những tuổi thơ giàu có đó, chính chúng có đang biết quý trọng điều mình đang sở hữu, hay lại sai lầm như mình ngày xưa, choáng ngợp bởi siêu thị, ánh đèn thành phố, nằng nặc đòi đi xa?
Mình ngồi đó, nhìn cậu. Mình cảm thấy hai người thật sự là hai thế giới quá khác nhau. Bỗng nhiên, lần đầu tiên trong đời giáo viên mình đã có suy nghĩ ích kỉ: không bao giờ mình có điểm chung và muốn có điểm chung với cậu, cái đứa trẻ đen bóng, béo phục phịch ngồi đó, mắt lơ đễnh chờ thời gian trôi, lòng rộn ràng mong tới giây phút được chạm ngón tay vào màn hình iPad nhẵn thín. Phần nào trong trí não cậu mang chức năng cảm xúc, phần đó có đang nhẵn thín hệt màn hình iPad? Không một rung cảm, không một nỗ lực nào để hiểu những thứ mình đang đọc, đang đối diện.
Chẳng thể có điểm chung nào đâu, bởi cậu làm sao hiểu được cho mình, những giây phút xúc động khi đọc được một câu văn trong sáng, chân thành, sự nâng niu một từ ngữ hay, nỗi cảm động khó hiểu trước một buổi chiều, hay khoảnh khắc dắt xe ra về sau cơn mưa, Sài Gòn lạnh như băng, trong đầu hiện ra một câu thơ Xuân Diệu, nhận ra người xưa dùng từ giỏi quá, đâu như cái bọn con buôn mạo danh văn sĩ Phạm Lữ n viết cái quái gì khiến mình ngồi 30 phút vẫn chẳng thể luận ra. Cậu làm sao hiểu được cho mình, cái cảm giác mơ hồ sung sướng được ngụp lặn trong từ và từ, ngắm nghía từng từ một thật lâu mà chẳng hết ngỡ ngàng, bái phục, thấy mình còn dốt quá, dốt quá, phải học thêm nhiều nhiều nữa. Cậu làm sao hiểu được những lúc trong đầu ách tắc với một suy tư, rồi đặt bút viết xuống hay gõ bàn phím ra cũng được, thì bỗng nhiên thấy chảy ào ạt một dòng nước ngôn từ, đâu ra đấy, mạch lạc, phần nào phần nấy rõ ràng. Cái sự khoan khoái đó, dẫu cho ngôn từ của mình từng khiến mình lao đao, từng làm người hiểu lầm, từng vô tình mở tung cánh cửa lòng mình cho bọn thô lậu dò xét, suy đoán, bàn luận, thì cũng đáng để đổi lắm.
Nhìn mẹ cậu, đôi mắt hiền từ, nụ cười ngượng ngập, giọng nói trầm với đôi từ vùng vụng, mình thầm đoán có lẽ bà nội trợ ấy cũng xuất thân từ một miền quê nào đó chăng? Cái ánh nhìn nhân hậu đó dường như vẫn chứa chan ruộng đồng, gió chiều, vẫn còn hồn nhiên, đượm tình. Rồi mình tự đặt ra câu hỏi dựa trên giả định mình cho là thật ấy: ngày xưa điều gì đã khiến chị rời quê lên phố, hứa hẹn nào, tương lai nào, tình yêu nào đã khiến chị giờ đây sống trong căn hộ cao cấp này, đi lại quẩn quanh giữa những siêu thị, gian bếp, gian bếp, siêu thị, sinh con đẻ cái, chăm lo cho những đứa con lớn lên, đi học, đi xa. Dòng chảy cuộc sống có thể nhìn thấy trước ấy, có thật là dòng chảy thuận quy luật tự nhiên? Có ai dám ngược dòng người từ quê lên thành phố, để trở về quê, thật sự trở về, tìm kiếm cái mình thuộc về, cái mình là?
4. Từ khi rời quê vào Sài Gòn sau kỳ nghỉ hè, mình cứ nghĩ mãi về những điều như vậy. Tâm trí dường như bén nhạy bắt lấy tất cả những dẫn chứng nào có thể thâu nạp vào cái đề tài nan giải: ở phố hay ở làng. Tâm trí chắc hẳn cũng đã có câu trả lời, nhưng hành động ra sao là một vấn đề khó khăn, không nói trước được.
Chỉ biết rằng mình chợt hãi hùng. Hãi hùng rằng mình đã ngu khờ choáng ngợp trong phút chốc với cái xa hoa này. Họ làm đường rộng cho mình đi, xây mall cho mình ngắm, xây trường xịn cho mình dạy. Nhưng khoan đã, thì sao? Họ thật sự có cho mình cái gì không, ngoài cái cảm giác tự thấy mình sang trọng lên, văn minh lên. Đi giữa phố óng ánh đèn, xa hoa nhà cửa, mà tâm tình còn dối trá, manh mún, tiểu thương (đừng dùng từ tiểu nông, tội nhà nông), thì có nghĩa lý gì?
Mình hãi hùng ước mơ của đám người thành phố. Bám lấy một cái trường sang giàu, mặc những bộ quần áo đẹp đi trên hành lang rộng lót đá, mà mồm miệng vẫn nhọn những bàn tán, dị nghị, dèm pha, phân biệt, lắm chuyện. Mình hãi hùng cái gọi là lý tưởng cải cách giáo dục, gieo mầm cho thế hệ tương lai mà chỉ chọn đám trẻ nhà giàu mà gieo. Thế mà cũng gọi là lý tưởng?
Mình hãi hùng ước mơ của đám người thành phố. Làm lụng suốt đời, giành giật bon chen từng chút để làm gì, để kiếm cho mình mấy chục mét vuông không địa chỉ nằm ở độ cao hàng trăm nghìn mét so với mực nước biển. Bao giờ nhìn những khoảnh cheo leo trên bầu trời thành phố đó mình cũng thấy thương. Ở quê thừa mứa không gian, ở đây họ tính từng mét cửa sổ, đổi ra một khái niệm sang trọng, gọi là “viu” (view). “Viu xắt ra miếng”. Ở quê thừa mứa đất đai, ở đây họ bán biết bao sức lực để đổi lấy một miếng “đất” không có thật, vì nó nằm chồng lên một, hai, ba, bốn, năm, … hàng chục những miếng “đất” không có thật khác. Ở quê sông chảy hoang vu không ai tắm, ở đây nếu căn hộ nhìn thấy một góc nhỏ của con rạch thôi, giá trị cũng nhân lên. Ở quê cây xanh rậm rạp, ở đây họ khen ngợi những cọng lá cọng hoa lèo tèo, èo uột, giả tạo mà người ta trồng dưới sân chung cư.
Mình hãi hùng ước mơ của đám người thành phố. Mình hãi hùng cái gọi là phát triển. Từ trong những khoảnh căn hộ cheo leo kia, sẽ lại sinh ra những đứa trẻ phục phịch tay lướt iPad điệu nghệ, mắt lờ đờ, bỏ phí thiên nhiên, bỏ phí lịch sử, bỏ phí những câu chuyện mà chúng chỉ có cơ hội sống một lần duy nhất trong mỗi đời người.
Trong lúc "cứu hành", mình chợt nhớ, mẹ mình rất hay làm những việc như thế. Mẹ luôn tỉ mẩn với những món đồ ăn mộc mạc, nhỏ xinh, tiếc từng cọng rau, củ lạc. Dù mẹ làm công việc tính toán ở công sở cả đời, cũng có những khi kinh tế thật là khấm khá, nhưng cuối cùng mình vẫn cảm thấy mẹ phù hợp với hình ảnh "nhà quê" đó nhất. Khi làm cỏ, hái rau, đào củ, bón phân, tưới nước, hẳn mẹ đã thấy trong lòng rất nhẹ nhõm. Mẹ sẽ nghĩ tới mấy chục năm căng thẳng ở cơ quan, rốt cuộc tại sao cuộc đời lại phải căng thẳng như vậy? Có khi nào mẹ đã ở nhầm chỗ, làm nhầm việc, sống nhầm một phần đời hợp với người khác hơn là mình?
2. Nghĩ như vậy thì mình thấy quanh đây, rất nhiều người cũng có thể đang ở nhầm chỗ. Nhưng có hề hấn gì đâu, khi chính họ chẳng bao giờ đặt câu hỏi về điều đó hay có nhu cầu trở về đúng chỗ của mình.
3. Hôm nay mình dạy một cậu nhóc. Cuộc sống của cậu loanh quanh tới trường, về nhà. Trường học là những giờ học mòn mỏi ngóng breaktime, còn nhà là phòng riêng tiện nghi đóng kín cửa, wifi đủ mạnh và một chiếc iPad đủ mượt mà. Nhà còn là những giờ học thêm cũng mòn mỏi ngóng breaktime không kém, vì bao nhiêu tin nhắn vừa nãy đã kêu tin tin vẫn đang đợi chờ, bao nhiêu điều mới đang diễn ra ở thế giới phía trong mấy chục cm vuông màn hình, chúng đang thay đổi từng giờ, mới lên từng phút, biến chuyển từng giây. Ngồi ở đây học bài, với cậu, khó ở lắm, giống như là mình đang bị bỏ rơi, bị cho ra rìa, bị nằm ngoài một thế giới sôi động.
Nhà cậu nằm trong một khu phố giàu có, nơi hay đi với các mỹ từ: “văn minh”, “dân trí cao”. Bước chân xuống dưới là thấy Tây. Còn đứng trên ban công, có thể trông rõ những mái nhà liền kề phố san sát. Có ai từng đứng trên lầu cao chung cư mấy chục tầng này, đặt ước mơ xuống dưới những mái nhà phố đáng giá chục tỷ đó? Mình đồ rằng ước mơ của người thành phố cũng chỉ tầm thường như thế mà thôi.
Nhà cậu có cửa sổ nhìn ra một quang cảnh rộng của quận 7. Dưới đó có gì? Một bức tranh hổ lốn màu sắc nhợt nhạt. Màu của xi măng, sắt thép, bê tông, nhựa đường. Của những công trình đang vươn cao không ngừng giữa một vùng đất ngày càng lên giá, "đáng sống". Của những chắp vá, lổn nhổn mà các đầu óc thiển cận đang đắp điếm lên thành phố này, hay nói cách khác là tàn phá nó, tạo nên một cảnh quan xấu xí. Chợt mình nghĩ, cậu nên ghen tỵ với đám trẻ con nhà quê, như mình từng là, và những đứa trẻ gần nhà mình đang là. Chúng sống ở nơi mà thiên nhiên hào phóng; màu xanh, cây cối, gió, ánh trăng, sông nước, không gian vô cùng, vô cùng hào phóng. Những tuổi thơ giàu có đó, chính chúng có đang biết quý trọng điều mình đang sở hữu, hay lại sai lầm như mình ngày xưa, choáng ngợp bởi siêu thị, ánh đèn thành phố, nằng nặc đòi đi xa?
Mình ngồi đó, nhìn cậu. Mình cảm thấy hai người thật sự là hai thế giới quá khác nhau. Bỗng nhiên, lần đầu tiên trong đời giáo viên mình đã có suy nghĩ ích kỉ: không bao giờ mình có điểm chung và muốn có điểm chung với cậu, cái đứa trẻ đen bóng, béo phục phịch ngồi đó, mắt lơ đễnh chờ thời gian trôi, lòng rộn ràng mong tới giây phút được chạm ngón tay vào màn hình iPad nhẵn thín. Phần nào trong trí não cậu mang chức năng cảm xúc, phần đó có đang nhẵn thín hệt màn hình iPad? Không một rung cảm, không một nỗ lực nào để hiểu những thứ mình đang đọc, đang đối diện.
Chẳng thể có điểm chung nào đâu, bởi cậu làm sao hiểu được cho mình, những giây phút xúc động khi đọc được một câu văn trong sáng, chân thành, sự nâng niu một từ ngữ hay, nỗi cảm động khó hiểu trước một buổi chiều, hay khoảnh khắc dắt xe ra về sau cơn mưa, Sài Gòn lạnh như băng, trong đầu hiện ra một câu thơ Xuân Diệu, nhận ra người xưa dùng từ giỏi quá, đâu như cái bọn con buôn mạo danh văn sĩ Phạm Lữ n viết cái quái gì khiến mình ngồi 30 phút vẫn chẳng thể luận ra. Cậu làm sao hiểu được cho mình, cái cảm giác mơ hồ sung sướng được ngụp lặn trong từ và từ, ngắm nghía từng từ một thật lâu mà chẳng hết ngỡ ngàng, bái phục, thấy mình còn dốt quá, dốt quá, phải học thêm nhiều nhiều nữa. Cậu làm sao hiểu được những lúc trong đầu ách tắc với một suy tư, rồi đặt bút viết xuống hay gõ bàn phím ra cũng được, thì bỗng nhiên thấy chảy ào ạt một dòng nước ngôn từ, đâu ra đấy, mạch lạc, phần nào phần nấy rõ ràng. Cái sự khoan khoái đó, dẫu cho ngôn từ của mình từng khiến mình lao đao, từng làm người hiểu lầm, từng vô tình mở tung cánh cửa lòng mình cho bọn thô lậu dò xét, suy đoán, bàn luận, thì cũng đáng để đổi lắm.
Nhìn mẹ cậu, đôi mắt hiền từ, nụ cười ngượng ngập, giọng nói trầm với đôi từ vùng vụng, mình thầm đoán có lẽ bà nội trợ ấy cũng xuất thân từ một miền quê nào đó chăng? Cái ánh nhìn nhân hậu đó dường như vẫn chứa chan ruộng đồng, gió chiều, vẫn còn hồn nhiên, đượm tình. Rồi mình tự đặt ra câu hỏi dựa trên giả định mình cho là thật ấy: ngày xưa điều gì đã khiến chị rời quê lên phố, hứa hẹn nào, tương lai nào, tình yêu nào đã khiến chị giờ đây sống trong căn hộ cao cấp này, đi lại quẩn quanh giữa những siêu thị, gian bếp, gian bếp, siêu thị, sinh con đẻ cái, chăm lo cho những đứa con lớn lên, đi học, đi xa. Dòng chảy cuộc sống có thể nhìn thấy trước ấy, có thật là dòng chảy thuận quy luật tự nhiên? Có ai dám ngược dòng người từ quê lên thành phố, để trở về quê, thật sự trở về, tìm kiếm cái mình thuộc về, cái mình là?
4. Từ khi rời quê vào Sài Gòn sau kỳ nghỉ hè, mình cứ nghĩ mãi về những điều như vậy. Tâm trí dường như bén nhạy bắt lấy tất cả những dẫn chứng nào có thể thâu nạp vào cái đề tài nan giải: ở phố hay ở làng. Tâm trí chắc hẳn cũng đã có câu trả lời, nhưng hành động ra sao là một vấn đề khó khăn, không nói trước được.
Chỉ biết rằng mình chợt hãi hùng. Hãi hùng rằng mình đã ngu khờ choáng ngợp trong phút chốc với cái xa hoa này. Họ làm đường rộng cho mình đi, xây mall cho mình ngắm, xây trường xịn cho mình dạy. Nhưng khoan đã, thì sao? Họ thật sự có cho mình cái gì không, ngoài cái cảm giác tự thấy mình sang trọng lên, văn minh lên. Đi giữa phố óng ánh đèn, xa hoa nhà cửa, mà tâm tình còn dối trá, manh mún, tiểu thương (đừng dùng từ tiểu nông, tội nhà nông), thì có nghĩa lý gì?
Mình hãi hùng ước mơ của đám người thành phố. Bám lấy một cái trường sang giàu, mặc những bộ quần áo đẹp đi trên hành lang rộng lót đá, mà mồm miệng vẫn nhọn những bàn tán, dị nghị, dèm pha, phân biệt, lắm chuyện. Mình hãi hùng cái gọi là lý tưởng cải cách giáo dục, gieo mầm cho thế hệ tương lai mà chỉ chọn đám trẻ nhà giàu mà gieo. Thế mà cũng gọi là lý tưởng?
Mình hãi hùng ước mơ của đám người thành phố. Làm lụng suốt đời, giành giật bon chen từng chút để làm gì, để kiếm cho mình mấy chục mét vuông không địa chỉ nằm ở độ cao hàng trăm nghìn mét so với mực nước biển. Bao giờ nhìn những khoảnh cheo leo trên bầu trời thành phố đó mình cũng thấy thương. Ở quê thừa mứa không gian, ở đây họ tính từng mét cửa sổ, đổi ra một khái niệm sang trọng, gọi là “viu” (view). “Viu xắt ra miếng”. Ở quê thừa mứa đất đai, ở đây họ bán biết bao sức lực để đổi lấy một miếng “đất” không có thật, vì nó nằm chồng lên một, hai, ba, bốn, năm, … hàng chục những miếng “đất” không có thật khác. Ở quê sông chảy hoang vu không ai tắm, ở đây nếu căn hộ nhìn thấy một góc nhỏ của con rạch thôi, giá trị cũng nhân lên. Ở quê cây xanh rậm rạp, ở đây họ khen ngợi những cọng lá cọng hoa lèo tèo, èo uột, giả tạo mà người ta trồng dưới sân chung cư.
Mình hãi hùng ước mơ của đám người thành phố. Mình hãi hùng cái gọi là phát triển. Từ trong những khoảnh căn hộ cheo leo kia, sẽ lại sinh ra những đứa trẻ phục phịch tay lướt iPad điệu nghệ, mắt lờ đờ, bỏ phí thiên nhiên, bỏ phí lịch sử, bỏ phí những câu chuyện mà chúng chỉ có cơ hội sống một lần duy nhất trong mỗi đời người.
Nhận xét
Đăng nhận xét