Một lần đến trường X.

Hà đã không hề nghĩ rằng mình lại đi phỏng vấn. Nhưng tình cờ, một dịp làm việc đưa Hà đến trường X. Nhân dịp đó, bên nhân sự trường nói chuyện với Hà.

Sau đây là các câu chuyện Hà muốn kể lại trong quá trình 2 lần làm việc với nhân sự trường và 1 lần làm bài test của họ, cùng với suy nghĩ của Hà:

- Trường theo triết lý đạo Phật. Giá trị cốt lõi là giới - định - tuệ. Lãnh đạo nhà trường biến đổi chút xíu thành trí tuệ - đạo đức - nghị lực. Tường của trường vẽ hình một cái cây rất chi là xấu với ba cái rễ chà bá lửa mang tên 3 giá trị trên. Ngoài ra trên tường còn có rất nhiều tranh nhân quả. Khi Hà tới gặp lãnh đạo trường, họ phát cho Hà một tờ flyer gồm khá nhiều bức tranh nhân quả. Hà ngồi coi say sưa. Nội dung đại khái: kiếp này ghen tỵ khi thấy người khác được yêu thương, kiếp sau cô độc, bị bỏ rơi (vẽ hình một người đi trong đêm bị chó sủa quá chừng); kiếp này thắp đèn sáng cho người (vẽ một chú thợ điện trèo cột điện sửa đèn), kiếp sau sáng mắt (ủa vậy luôn hả?); kiếp này dâm đãng đa tình, kiếp sau đồng tính, gia đình tan vỡ (ù uôi, BỊ đồng tính luôn cơ đấy), kiếp này xây cầu đường cho người ta đi, kiếp sau có ô tô, kiếp này câu cá, kiếp sau bị dị dạng mồm miệng do lừa cá mắc câu rách miệng (vậy là cả trường ăn chay luôn hả) :)))).

-> Thật tội nghiệp một thế hệ lớn lên trong sợ hãi. Còn kinh hãi hơn tất cả các thể loại sách đạo đức, giáo dục công dân trên đời.
-> Không khơi gợi chút nào tư duy, không giải thích chút nào về quy luật, chỉ nhồi sọ chuyện nhân - quả, đó là gọi là dạy học à? Con người nô lệ về tinh thần thì có đạo đức hay vô đạo đức còn có ý nghĩa gì không?
-> Xin lỗi, tôi chỉ thấy những câu trên dạy cho học sinh sự đạo đức giả, chẳng hạn mồm ăn cá mà vẫn nói rằng câu cá là lừa cá, là kiếp sau bị dị dạng mồm. Một khi học sinh lớn lên, nhận ra sự đạo đức giả đó, chúng nó sẽ chẳng còn tin vào một thứ gì trên đời.

- Quan điểm lãnh đạo của nhà trường là quan tâm tới đạo đức hơn chuyên môn. Trình độ sẽ được đào tạo. Quan trọng là bạn phải dạy được nhiều môn một lúc, ví dụ giáo viên Văn mà không biết dạy Sử Địa là một bất lợi, giáo viên Toán phải biết dạy Lý Hóa. Và tất cả giáo viên trên đều phải biết dạy đạo đức, dạy môn gì cũng phải lồng đạo đức vào. Ví dụ dạy Văn thì trong bài tiếng Việt, ngữ liệu luôn phải liên quan đến Thiền, chẳng hạn "Hôm nay em ngồi Thiền 20 phút ở sân trường X.". Dạy Toán thì hãy thiết kế hoạt động chia kẹo trong bài phép chia và cố tình cất bớt kẹo để có bạn có kẹo, có bạn không, xem các con san sẻ kẹo với nhau.

-> Biết dạy nhiều môn là giỏi?
-> Xin hỏi các vị thế nào là một người có đạo đức? tại sao các vị lập luận như vậy?
-> Dạy đạo đức mà tuyên truyền sống sượng như các vị, khiến trẻ con hiểu sai, các vị đang tạo nên một thế hệ nô lệ về tinh thần, ngu dốt, các vị có biết không?

- Giáo viên không hề được hỏi về chuyện đọc sách, bài test giáo viên là 18 bài Pháp thoại, giáo viên phải nghe và tóm tắt. Nghe nói khi vào trường, giáo viên phải nghe Pháp thoại hằng tuần, hằng tháng, hằng năm, phải nộp bài tóm tắt và sẽ được đánh giá dựa trên đó.

-> Thứ đó mà cũng gọi là tri thức, nghe mấy thứ đó mà cũng được coi là "cơ hội phát triển, học hỏi" của giáo viên?
-> Tại sao họ cho rằng họ đang phổ biến một thứ triết lý sống tốt đời đẹp đạo, vậy mà họ lại tuyên truyền một cách gượng ép, miễn cưỡng như vậy?

- Phát biểu của lãnh đạo: "Lương trường không cao bằng dạy thêm đâu. Trường chỉ là nơi tốt để học hỏi, phát triển, không phải một nơi tốt để kiếm tiền. Nếu đặt mục tiêu cuộc sống là tiền thì hỏng hẳn. Có anh kia bạn tôi 27 tuổi có 10 tỷ trong tay, sau đó chơi bời lêu lổng hết sạch 10 tỷ lại tìm đến tôi xin làm kế toán."

-> Học cho thành giáo viên giỏi thiệt giỏi rồi, mà rút cuộc vẫn không có tiền thì dẹp trường đi nhé. Dấu hiệu nhanh nhất để nhận ra bọn đạo đức giả là khinh tiền.
-> Nghe cái giọng hí hửng đắc ý của ông lãnh đạo khi kể về chuyện bạn mình có nhiều tiền rồi mất trắng, tui cũng không hiểu từ bi hỉ xả nó nằm ở đâu trong con người của ông ta? Sân si vãi chưởng luôn.

- Trong buổi phỏng vấn, ông lãnh đạo hỏi vô duyên tới nỗi làm một bạn ứng viên rưng rưng sắp khóc. Bạn chỉ đơn giản chia sẻ rằng một ngày bạn phải đi làm 12 tiếng để trả nợ, nuôi em, vậy mà ông lãnh đạo kia giáo huấn cho bạn nguyên một tràng triết lý về sự phù du, tai hại của tiền bạc, ông miêu tả tiền như là thế lực thù địch hàng đầu của đạo đức, có tiền là cầm chắc nguy cơ suy đồi đạo đức. Bạn ứng viên sắp rớt nước mắt luôn, đành phải cười để ngăn lại. Chưa hết, chị kia chia sẻ chị không có nhiều thời gian để nghe xong Pháp thoại, ông lãnh đạo liền hỏi: "Thế Chủ nhật chị làm gì?", sau khi chị trả lời xong, ông nói: "Tôi thấy có bận gì đâu?".

-> Vô duyên chính là biểu hiện rõ nhất của vô đạo đức đó, ông lãnh đạo răng vàng ạ! Còn với cái kiểu ăn nói tinh ta tinh tướng bất chấp đúng sai đó ông nên ra Hà Nội mà sống cho nó hợp đi ạ.

- Website trường màu xanh đỏ tím vàng thật chói lóa, xấu đau đớn thì thôi không xét. Tờ Flyer cũng xấu đau xấu đớn, tranh mờ tịt rõ ràng là copy nơi khác, màu quê mùa, hình củ chuối thì thôi cũng không xét luôn. Thế nhưng trong một tờ Flyer bé xíu mà chi chít lỗi sai ngữ pháp như sau thì cũng có thể hiểu được trình độ chuyên môn của giáo viên trường được quan tâm tới cỡ nào:
+ x.edu.vn là hệ thống trường kết hợp của Giới - Định - Tuệ.
-> Tại sao một địa chỉ trang web có thể "là hệ thống trường"?
-> "hệ thống trường có sự kết hợp của" chứ không phải "hệ thống trường kết hợp của"
+ Mỗi tiết học là có một bài học đạo đức.
-> "là có"?

-> Hậu quả của việc coi thường tri thức, tư duy, ngôn ngữ, coi thường tính khoa học bài bản của dạy học dường như đã có thể thấy nhỡn tiền. Sản phẩm méo mó đầu tiên chính là thầy cô luôn đó ạ! Còn các em học sinh sau này sẽ thế nào? Thật chẳng dám nghĩ?

Còn tiếp mà buồn ngủ + mỏi tay, lười viết rồi.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về trường X. :P

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?