Quyền được tiêu cực


Chú tác giả những dòng chữ trong hình ơi, chú đã làm thỏa mãn một người từng được mang tiếng là hay nhăn nhó hậm hực với đời.

Bởi "cố gắng cảm thấy hạnh phúc hơn cũng vô ích như cố gắng trở nên cao ráo hơn".

Họ nói với cháu rằng hãy nhìn những tấm gương luôn sống tươi vui hạnh phúc. Nhưng cháu hiểu có cả tỉ điều kiện đằng sau khiến họ như thế (trong đó bao gồm cả yếu tố di truyền). :)

Họ nói rằng: Nói thế là chưa tích cực, còn tiêu cực. Thì cháu không trách họ. Vì cháu hiểu sự bùng nổ của sách self-help cùng với vô vàn khóa học tào lao xí bột mà người ta bỏ tiền để mua về rồi tin lấy tin để (như thể không tin thì sẽ phí tiền) đã khiến họ như thế. Đã khiến họ tin rằng có một thứ siêu năng lực gọi là "trở nên tích cực", gặp bất kì chuyện gì chỉ cần bấm công tắc tích cực.

Cháu không tin.

Cháu những muốn nói rằng ở đâu ra một quan niệm nhìn đời đơn giản như vậy. Tích cực vô điều kiện ư, sao có thể? Con người chúng ta là một thực thể phong phú, phức tạp, nhiều nông nỗi, lắm tâm sự, hoàn cảnh quanh ta cũng đủ dạng đa chiều, giá trị của ta cao lắm, ta phải biết trả giá với sự tích cực chứ, đâu thể cứ tích cực mọi lúc?

Cháu những muốn đứng lên để nói, đâu phải cho cháu, mà để bảo vệ cho những người hay bị nói là "nhìn bi kịch", "lúc nào cũng đăm chiêu", "cáu bẳn", "khó gần". Cháu muốn minh oan cho họ vì những cuộc chiến mà họ đang phải chiến đấu bên trong mà chẳng ai hay biết, những thứ đã rút đi sức lực của một nụ cười.

Những ngày cháu cố gồng lên để tích cực, là những ngày mỏi mệt nhất cuộc đời. Một hôm nào đó, đứng ở một góc đường tình cờ, cháu bỗng muốn nằm xuống nghỉ ngơi một lúc trong vũng lầy buồn thảm của mình. Như vậy thật yên tâm, nhẹ nhõm. Rồi sau đó, cháu quyết định không chịu đựng gì thêm nữa. Cháu làm một trận tiêu cực ầm ĩ, rộn ràng, rồi bỏ ra đi với nỗi buồn của mình.

Cháu nhớ đến Holden Caufield trong "Bắt trẻ đồng xanh" nhìn đâu cũng thấy rặt một lũ rởm đời. Cháu nghĩ đến cô học trò có gương mặt nhăn nhó nhưng sống thật nói thật. Cháu nghĩ đến cậu học trò thiếu kiềm chế nọ đã một lần căn vặn cháu: "Các bạn cũng bực bội mà giả vờ giấu đi, con bực bội thì con xông vào đập bạn. Con thấy bản chất có khác nhau đâu?".

Phán xét một người là tiêu cực thật sự là một kiểu nhận định rất vô căn cứ, vì nó bỏ ra ngoài tất cả các yếu tố về hoàn cảnh của người đó. Khuyên bảo một người là tích cực mà không đưa ra bất kỳ lý do chính đáng nào, chính là bảo người đó dùng lối ám thị để tự lừa gạt cảm xúc của mình, nguy hiểm khôn lường.

Vì sao? Vì lừa gạt cảm xúc của mình, thì mình không còn mình. Có những lúc buồn nhất, chỉ còn một mình mình làm bạn để nương dựa. Thử tưởng tượng xem, đến cái tôi chân thật cũng chẳng còn, thì những ngày tăm tối ta sẽ dựa vào đâu? Có ông tác giả sách self-help nào đến "cho ta nương nhờ lúc thở than" không?

Cháu nghĩ giá như ai cũng cho mình quyền được tiêu cực một chút, bớt đi những sự tích cực lạc quan vô cớ, kì bí, mù quáng, ai cũng biết một lần ngợi ca buồn chán, thất bại, ngợi ca nỗi tuyệt vọng đẹp như một bông hoa kia, thì người với người sẽ biết thông cảm cho nhau hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?