Ai làm cho bể kia đầy

Nó vẫn loay hoay tìm con đường cho riêng mình. Có những lúc, nó tưởng như đã tìm ra, tưởng như mình có thể từ đây bắt đầu một con đường mới. Nhưng những lúc như lúc này, nó cảm nhận được một tiếng gọi âm thầm, cất lên giữa những nỗi buồn, sự tổn thương, nỗi giận hờn, sự kiệt quệ. Tiếng gọi nhỏ bé mà dai dẳng, hình như nó đã từng nghe rất nhiều từ thời thơ bé, hình như nó cũng đã từng quên.

Rằng, nó thuộc về công việc đó.

Những ngày này, việc học mang lại cho nó nhiều niềm vui. Nó thích làm đứa học trò lẽo đẽo đi theo những người thầy giỏi, nó thích mang tới niềm vui cho họ bằng ánh mắt, bằng lời khen, bằng món quà, vì họ xứng đáng. Nó cảm giác như được quay lại quá khứ trong trẻo của chính mình, khi còn là một nữ sinh đầy say mê trên ghế nhà trường. 

Nhưng nhớ lại xem, điều gì khiến nó đã từng say mê như vậy? Có phải là đam mê thuần túy dành cho môn học, hay còn là niềm mơ ước một ngày mình cũng được đứng ở đó, làm công việc đó?

Nó đã nuôi ước mơ đó hàng chục năm trời, mỗi đêm khi bạn bè học bài phòng bên cạnh, từ phòng nó đều phát ra tiếng rì rầm tập làm cô giáo, tự giảng bài cho chính mình. Nó có còn nhớ cuốn sổ dày đặc tên những người học sinh tưởng tượng và những con điểm tưởng tượng? Người ta bảo nó nói năng trôi chảy trên bục giảng mà ngoài đời lại lúng búng, bởi vì người ta không biết nó đã chuẩn bị cho công việc mà nó tin chắc mình sẽ theo đuổi từ rất nhiều năm về trước, thuở còn là đứa học trò ngây thơ. Ước ao ấy chưa một lần vẩn lên những cặn đục của toan tính, vụ lợi, khôn lanh. Ở trên bục giảng, nó mới được là chính nó. Những buồn bã, tổn thương, lo sợ, nó chỉ cần được quay trở lại đứng vào chỗ đó, đối diện với những thánh thiện kia, nhìn vào những trong trẻo kia, thì lập tức thấy mình được thanh tẩy, tươi lành trở lại.

Bởi thế nên, ngày hôm nay khi nói chuyện với những người cô người thầy kia, nó vừa ngưỡng mộ, mến yêu lại vừa tủi thân, ghen tỵ. Trong lòng nó những muốn được quay trở lại làm công việc như họ. Đêm đêm và ngày ngày ngồi chuẩn bị cho những điều thiêng liêng, đẹp đẽ, nhân văn, tốt lành chỉ mình nó biết, đêm đêm và ngày ngày ngồi xuống với những mục tiêu, tham vọng, dự tính thay đổi một cái gì nhỏ bé trong tâm hồn học trò. Gạt ra ngoài những tính toán về địa vị, sự thăng tiến, cách gây ấn tượng, lấy lòng những kẻ lãnh đạo thiển cận. 

Nó ước mong mình cũng được như họ, đứng ở đó làm chủ cả không gian lớp học bao la, thổi vào mọi thứ một luồng gió quang đãng phấn khởi của cái mới, làm cho học trò vui vẻ thoải mái, bằng ánh mắt, nụ cười, lời nói quan tâm, sự dịu dàng mà nó hằng theo đuổi. Nó sẽ như vũ công, hoặc như ca sĩ, hoặc như diễn giả, là gì cũng được, miễn là chính mình trong ngôi đền của riêng mình.

Rồi những ngày này, nó cũng gặp hoặc được nghe kể câu chuyện về những người thầy người cô tắc trách. Hôm nay, cô giáo của nó dạy Reading mà sơ sài không thể tả, nó nén một tiếng thở dài. Nó ngồi đó nhìn ra ánh đèn mông lung ngoài cửa kính, nơi bao người đang vui vẻ trong một đêm cuối năm, gần kề lễ hội. Mùa lễ hội năm ngoái... Nó có bao giờ có lễ hội của mình? Ngày nào, đêm nào cũng là sự chuẩn bị của những công việc tương lai.

Trước đây, nó nghĩ rằng những thứ âm thầm đó, nếu không tìm cách phô trương, bốc phét, đánh bóng lên như ai đó, thì chẳng ai biết, mà nó cũng chẳng cần ai biết. Nhưng nay thì nó hiểu, bằng một cách nào đó người ta sẽ đều biết. Hãy nhìn ánh mắt của người giáo viên kia khi nhìn đồng hồ. Hãy nghe những câu bông đùa vô vị cho thời gian trôi nhanh hơn. Hãy xem cách họ chào mình lúc ra về, nhiệt tình quá thể như để bù lại cho những nhạt nhẽo vừa rồi. Nó vừa buồn, vừa cảm thông.

Giờ này năm ngoái, có khi nó cũng đang dạy tụi nhỏ một bài "reading".

Nhưng rồi nó giận. Cũng giống như cách đây mấy hôm, nghe chị kể về một giáo viên tắc trách, nó cũng vô thức mà mắt long lanh, chực rơi lệ. Nó nhận ra rằng nó không ghét, mà nó giận tất cả những kẻ lười biếng đó. Cầu mong sao cho họ đừng đi dạy nữa. Nếu họ đã chọn công việc này, họ đừng làm như vậy. Họ có thể kém, nhưng nếu họ chăm chỉ thì ai cũng sẽ nhận thấy, và rất nhanh chóng họ sẽ chẳng còn kém nữa. Cẩu thả trong công việc này giống như là coi thường tuổi thơ của tụi nhỏ, giống như là chẳng còn một chút tự trọng với chính mình.

Kể cả nỗi giận ấy cũng khơi lên trong nó ước mong được quay trở lại với lớp học. Một lần nữa. Để không như vậy. Để bù đắp. Bù đắp cho ai, cho cái gì, nó cũng không biết. Chỉ biết mỗi lúc chợt có cảm giác thất vọng và thiếu thốn đó, nó lại muốn quay trở lại nơi cũ, làm ngay một cái gì đó, có lẽ là tự bù đắp cho chính lòng mình mà thôi.

Nhưng những năm qua, điều gì đã làm hao mòn thân, tâm và niềm vui của nó vậy, khiến nó phải bỏ nơi mình yêu nhất mà đi?

Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?