Sài Gòn - chuyện dài kì (dài lắm đó)
PHẦN 1
1. Nơi ở
1. Nơi ở
Ở
Sài Gòn, tôi ở Quận 7. Bạn sẽ phóng xe vun vút qua một cái cầu thật rộng để
sang Quận 7. Tôi ở gần khu chế xuất Tân Thuận, tôi dạy trường Đinh Thiện Lý -
đều là hai công trình của gia đình ông Đinh Thiện Lý. Gần nhà tôi, có một con
đường tên rất thơ là Lưu Trọng Lư, dù đường nhỏ, ổ gà nhiều và lúc nào cũng tấp
nập xe container.
2.
Giao thông
Lại
nói chuyện xe container. Tôi đi xe máy được gần 2 tuần. Giờ tôi không sợ
xe container nữa. Tôi có thể lái xe một cách mềm mại trước mũi hoặc sau đuôi
chúng. Có nhiều điều tôi ngộ ra khi đi xe máy. Đường càng đông càng phải mạnh
dạn tay lái, sẵn sàng vượt khi cần và dứt khoát không nhường ai cả. Vì mình cứ
chùng chình nhường nó thì sẽ có nó khác đằng sau đâm mình. Nhiều khi cũng phải
đi đường vòng, lượn một cái thật khéo ngay trước xe khác để vượt lên. Vì nếu
không, mình sẽ "hun" nó, hoặc xe khác "hun" mình. Còn những
chỗ khó khăn thì cứ theo người khác mà đi. Vì đó là nơi nhiều người cùng khúc
mắc, bị vướng lại. Cả đoàn cùng đi thì dễ hơn là một thân một mình xông pha. Tỉ
dụ như sang trái ở những con đường đông. Và tôi đã không còn nghĩ rằng cứ trung
thực thì một mình tôi có thể làm được tất cả, không còn nghĩ rằng tôi sẽ luôn
nhường người khác nữa. Nhường nhịn nhau có khi chính là làm khó nhau.
3. Chuyện dạy dỗ
Trên
trường, học sinh tôi chủ nhiệm tự nhận mình "bá đạo". Tôi không thấy
vậy ngoại trừ chúng có hơi "tăng động" - do đặc điểm lứa tuổi. Chúng
không thể ngồi yên và ngồi thẳng. Luôn phải có cái gì đó vui vui để phá tan sự
im lặng, không cho không khí đóng băng trong vòng vài phút. Như là nói to, hú
hét, chạy lung tung, ngồi oặn ẹo. Tôi thấy vậy là dễ thương. Chưa kể bọn trẻ
đôi khi khiến tôi cảm động tới mức tôi đã luôn nghĩ rằng, chúng hẳn là những
thiên thần ai đó đem đến để hỗ trợ tôi trong những ngày đầu khó khăn này. Những
khi nhìn chúng xồng xộc chạy vào lớp, khoe bọn con vừa học Toán vui lắm, bọn
con vừa bị cô Anh văn mắng vì ồn, những khi nhìn mấy đứa nhỏ loi choi nhảy,
miệng hét cô Hà, cô Hà khi vô tình nhìn thấy tôi đi trên hành lang, thật lòng,
tôi những mong có thể làm ngay một điều gì đó cho chúng, điều gì đó tốt lành
cho chính những đứa trẻ này.
4. Phòng trọ
Ở
Sài Gòn, tôi trọ trong căn phòng rộng, đẹp nhưng lúc nào cũng đầy bụi. Và căn
phòng với tôi hiu quạnh biết bao khi mỗi tối trở về, bật đèn lên nhìn khắp nơi
một lượt. Tôi không buồn dọn phòng mà cũng không có thời gian làm việc đó. Ở
nhà, tôi tranh thủ làm việc và ngủ, thường là khoảng 4-5 tiếng một ngày để bù
lại một chục tiếng ròng rã làm việc trên trường. Song căn phòng không khiến tôi
cảm thấy buồn bã, cô đơn gì hết. Tôi thấy ổn thỏa khi ở đây mỗi tối, trong mùi
dầu dừa quện chặt trên tóc, trong những giấc ngủ rất mệt mà ngon, trong những
tinh mơ vội vội vàng vàng. Một cuộc sống rất khác, và không hề nhàm chán.
5.
Chuyện lứa đôi (hí hí)
Ở
Sài Gòn, chúng tôi gắng gặp nhau nhiều lần mỗi tuần. Dù phải vượt
một quãng đường không ngắn, tay lái tôi chưa vững, còn anh thì đi xa dễ đuối,
hay cảm vặt. Chúng tôi cũng khá thường xuyên cãi nhau ở Sài Gòn. Nhưng mỗi lần
đi trên đường, thấy anh trong gương chiếu hậu luôn kèm sát tôi để tôi đi xe cho
an tâm, hay chạy ngay đằng trước dẫn đường cho tôi, tôi đều nghĩ sẽ không gì
chia cắt bọn tôi được cả. Vì dáng anh, khuôn mặt anh rất thương. Nó không thể
chất phác hơn được. Và tôi nhớ ra mình đã yêu anh chẳng vì điều gì to tát cả,
nên tôi chẳng mong gì to tát, mỹ miều ở anh. Chỉ cần anh cứ đi kèm tôi mãi mãi
thế này thôi.
6.
Cực kỳ quan trọng
Ở
Sài Gòn thì một cái note không nên quá dài vì chúng ta nên để thời gian bôi dầu
dừa rồi đi ngủ.
PHẦN
2
7.
Lại chuyện cái phòng trọ
Cái
nhà trọ đẹp đẽ đã bị tôi làm cho gần tan hoang sau 2 tuần đi dạy. Chất rác
không đổ (do hôm nào cũng về quá giờ đổ rác), không quét nhà và dĩ nhiên lau
cũng không, đồ đạc bày ra không dọn,v.v.. Nói chung tôi thấy những con gì gì đó
(muỗi, kiến, gián) ở nhà tôi nhiều hơn là tôi. Bố tôi sắm cho tôi mấy triệu
tiền đồ nội trợ nhưng tôi chẳng có mấy thời gian động vào chúng. Mỗi hôm về
nhà, chỉ cần có cái máy tính ở đó (dù phủ bụi) và chỗ nằm sạch sẽ, chăn gối
không bị bụi xung quanh lấn vào là tôi yên tâm. Tôi tự thấy như thế là quá đủ
cho mấy tiếng vừa làm việc, vừa ngủ vật ngủ vờ của tôi ở nhà.
8.
Sài Gòn bao đủ thứ
Tôi
đi làm, trời mưa, nhớ ra ở nhà đồ đang phơi đầy trên dây. Ở Hà Nội thì coi như
xong. Khi về đến nhà, tôi thấy ai đó đặt 1 chiếc ô rách rưới (chắc không dùng
nữa) phía trên dãy quần áo của tôi. Và chúng đều còn khô ráo, tất nhiên. Ở Hà
Nội thì tôi sẽ vứt đi những chiếc ô hỏng, nhưng từ nay tôi dặn mình ô hỏng cũng
có công dụng riêng, nên chăng giữ lấy? (Mà thật ra, với tính tôi thì đồ đạc
thường biến mất một cách mơ hồ trước khi kịp hỏng).
Mỗi
tối về muộn, thứ tôi thích nhìn thấy nhất là cửa hiệu điện tử trước nhà tôi còn
sáng đèn. Vì khi đó người trong cửa hiệu thường xông ra rất nhanh lúc nhác
trông thấy tôi. Họ dắt xe cho tôi. Ban đầu tôi thường gạt đi, bảo để mình tự
tập. Nhưng rồi tôi mắc kẹt ở bánh sau, nghiêng ngả khi bánh trước lên cao quá,
có lần lại phi thẳng vào góc nhà làm đổ bể cây cảnh, gãy mái che bánh xe. Thế
nên mỗi tối, cứ trông thấy tôi là người ta lại nhanh nhảu chạy ra giúp cho yên
chuyện. Nếu anh chủ cửa hiệu điện tử nghỉ làm sớm, thì cô chủ nhà chắc chắn sẽ
canh chừng tiếng rin rin của xe tôi. Nếu thấy rin rin lâu
quá mà chả vào được nhà thì cô sẽ chạy ra, cười nói: "Thế này chắc sang
năm con mới đi được xe quá". Thường những lúc đó, cả mấy anh với mấy cô
hiệu cắt tóc kế bên cũng khoanh tay đứng nhìn, cười. Việc dắt xe của tôi không
chừng đã trở thành một câu chuyện nhỏ cho vài ai đó theo dõi. Ai biết. Tôi thấy
vui vui.
Sài
Gòn tốt quá, nhiều khi tôi không quen, nhiều khi tôi bực bội. Tại vì tôi không
thích cái cảm giác vừa cảm động, vừa bất ngờ, vừa bối rối khi được giúp. Dù nó
rất rất nhỏ thôi, như một cái cúi đầu thật thấp kèm với lời cám ơn của người
được tôi nhắc tắt xi nhan.
9.
Dịch vụ Sài Gòn
Mới
chuyển đến, thường tôi quan tâm đầu tiên là các tiệm photo. Sau đến tiệm ăn.
Rồi tiệm giặt là, rửa xe, bơm xăng. Đừng câu nệ thương hiệu, câu nệ quán xá
sang trọng. Rất dễ để tôi tìm được những quán photo, rửa xe, giặt là gần nhà,
giá rẻ mà dịch vụ lại tốt. Ở Sài Gòn, chỉ cần chịu khó ngó nghiêng và bỏ chi
phí thử một chút, một chút xíu thôi là sẽ nhanh chóng tìm được những nơi cung
cấp dịch vụ vừa tận tình, tốt bụng, giá cả lại phải chăng.
Hiện
tại thì tôi rất hài lòng với tiệm photo gần nhà. Giấy đẹp, mực đậm, giá rẻ, lại
còn "bao" chuyện trò rôm rả. Tiệm giặt gần nhà lấy tôi 15k cho cả
đống đồ tôi tích trữ trong một tuần. :P Còn tiệm rửa xe thì cung cấp luôn nước
mía cho khách ngồi chờ, tiệm giày tự sản xuất hàng luôn, không nhập giày Trung
Quốc cũng không bày đặt Made in Vietnam, lại còn bảo hành vô thời hạn.
Dịch
vụ Sài Gòn đại khái nó là như thế.
10.
Lại chuyện dạy dỗ
Riêng
chuyện này thì mỗi ngày trôi qua có thể kể thành một truyện ngắn. Nhưng thôi
không muốn kể gì nhiều nữa. Riêng chiều nay, ngày làm việc đã kết thúc bằng câu
nói thỏ thẻ của học sinh tôi lúc thấy tôi ôm trán: Cô mệt và bất lực với lớp
lắm hả cô?
PHẦN
3
11.
Chuyện thời tiết
Thời
tiết Sài Gòn nói chung là dễ chịu. Tôi từng có mặt ở đây vào nhiều thời điểm
khác nhau và nhận thấy thời tiết vào những thời điểm đó không khác nhau là mấy.
Nhiều nắng, hay mưa bất chợt nhưng không nắng gắt và cũng không lạnh giá bao
giờ. Người ta nói Sài Gòn sẽ chuyển sang se se lạnh xung quanh mấy ngày Giáng
sinh và nóng bức hơn bình thường vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán. Riêng điều
này thì tôi không biết có đúng không vì chưa được trải nghiệm.
Bạn
tôi ở Hà Nội vừa vào đây chơi, có khen rằng thời tiết Sài Gòn dễ chịu. Nghĩ
cũng vui, trong 4 ngày, bạn được chứng kiến nắng êm ả lúc 10h sáng, mưa liu riu
khi về chiều, không khí lạnh bất chợt đến vào ban đêm (hôm đó người yêu tôi bị
cảm nhẹ), và cả một ngày rất là oi bức (chính là hôm cuối cùng bạn ở Sài Gòn).
Tôi nghĩ tất cả những kiểu thời tiết đó đều đáng yêu, tuy hơi thất thường nhưng
không hề khắc nghiệt. Và tôi đoán là bạn đã thấy vui vẻ lên một chút khi đi
chơi đó đây trong một Sài Gòn dịu dàng là vậy.
12.
Một vài “típ” nhỏ
Bạn
luôn phải có một chiếc áo khoác thật nhẹ nhàng thủ sẵn trong cặp hoặc treo ở
nơi làm việc. Nó sẽ che nắng khi bạn ra phố vào lúc giữa ngày, và làm ấm cơ thể
khi bạn phóng xe nhanh hơn trên đường để trở về nhà vào ban đêm. Nó cũng sẽ
giúp bạn biến áo/váy không tay thành bộ trang phục lịch sự, và nhất là giúp bạn
không bị lạnh khi ngồi điều hòa cả ngày ở công sở, quán xá (tôi để ý Sài Gòn
xài điều hòa rất nhiều, và nguy cơ chết cóng là cao nhất khi bạn ở trong rạp
chiếu phim 2 tiếng liền với trang phục mỏng manh :P).
Áo
khoác của bạn nên là một chiếc áo len mỏng kiểu cardigan, hoặc áo vest nếu muốn
lịch sự hơn. Chúng có thể thay thế cho những chiếc áo khoác nắng dày trịch kiểu
“áo giáp” như ngoài Bắc, đó là điều tiện lợi. Bạn sẽ gọn gàng hơn và thoải mái
điệu hơn. Từ lúc ở Sài Gòn, tôi vẫn luôn mong ước một ngày mình sẽ được sở hữu
bộ sưu tập cardigan nhiều màu sắc là vì thế đó.
“Típ”
nhỏ nữa là bạn có thể có một chiếc khăn voan nhỏ cột phất phơ ở quai cặp. Để lphòng thân í mà. Cái
cổ rất quan trọng, bạn sẽ dễ ốm khi cổ bị lạnh. Vào những hôm về nhà muộn, khăn
voan có thể giúp bạn bảo vệ cổ họng. Thật ra thì tôi cũng chưa có khăn voan nhưng
vì hay chạy xe lung tung vào ban đêm và phải chịu rát buốt họng vào sáng sớm
sau khi ngủ dậy, nên tôi đang nghĩ tới việc sắm một chiếc. Dù sao thì không có cái
cổ họng tôi cũng đâu thể đi dạy được. :D
13.
Sài Gòn là món súp hồn cho tâm gà
Có
một tỉ thứ buồn, vui lẫn căng thẳng và thậm chí cả điên rồ xảy ra hàng ngày, từ
khi tôi đến Sài Gòn, bắt đầu công việc mới. Nhưng rồi chúng cũng trở nên nhẹ
nhàng, nằm gọn gàng ở đó cùng với những ngày đã trôi qua.
Rất
dễ rơi vào thứ vui vẻ hời hợt và buồn bã tiêu cực khi bạn không có quá nhiều
thứ để làm hoặc không biết phải làm gì. Tôi cũng chẳng biết những tháng ngày
loanh quanh luẩn quẩn trước đây có giúp gì cho mình không nhưng nghĩ về chúng,
tôi hơi khó chịu vì nhận ra, mình đã từng như thế. Mình đã từng như thế, đã rơi
vào những thứ phức cảm quái gở, trong đó đau đớn trộn lẫn với thói tự kiêu bệnh
hoạn thật ư? Anh bảo tôi là người hay phủ nhận quá khứ, nhưng ai lại muốn quay
về những ngày như thế!
Tôi
chưa kịp bước chân tới Sài Gòn thì một đống việc đã ập vào đầu, réo gọi từng
ngày qua mail, tin nhắn, lời kể (và dọa dẫm) của chị tôi. Rồi từ lúc nào, tôi
quên mất quãng thời gian triền miên vô nghĩa kia. Tôi dần tìm được cách để tích
cực. Hoàn thành xong một việc gì đấy, “tích” một cái thật oách vào to-do-list.
Ngủ một giấc thật sâu cho mệt mỏi đã ngấm vào người cả ngày thoát dần ra ngoài.
Cuối tuần không bận gì thì tranh thủ lau nhà với giặt đồ, để tối, sau khi café
với anh về thì thấy đồ đã gần khô và đang bay nhẹ tênh trước cửa rồi. Ăn uống
đúng giờ, đủ chất. Nghe bọn trẻ con lớp tôi kể chuyện học hành, gia đình, bạn
bè. Lên Pinterest để coi mấy thứ đẹp, mạng giáo viên để coi mấy thứ bổ ích, và
fb để coi mấy thứ gần gũi. Đó, đời vui thế thôi là đủ.
Có
lẽ, rất là khó để nói với một người bi quan nào đó rằng hãy tích cực lên, trừ
khi quăng họ vào một hoàn cảnh thật sự năng động, bận rộn. Họ sẽ mệt nhưng sẽ
được kích thích tiềm lực, và lạc quan lên theo từng ngày từng giờ. Cơn vật vã
là cần thiết cho đến một khi, tôi chợt nhận ra tôi đã phí phạm quá nhiều thời
gian rồi.
Thời
tiết Sài Gòn, con người Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn từ bao giờ đã cuốn tôi vào
một cuộc đời mới phấn khởi hơn, có ý nghĩa hơn. Tôi chợt nhớ cũng có lúc tôi đã
thất vọng ở đây. Đó là hồi năm 3, khi tôi tới Sài Gòn rồi trở về và nghĩ về
chuyến đi tiếp theo. Có nên đi nữa hay không, điều đó làm tôi trăn trở. Nhưng
khi nghĩ về ngày đó, bao giờ tôi cũng thấy tôi đã quá nghiêm trọng và trông đợi
quá sức. Một thành phố thôi thì không nên phó thác cho nó cả gánh nặng tâm trí
mình. Một thành phố thôi, hơn nữa lại là một thành phố vô tư đến vậy thì chỉ
nên đến, quan sát, tận hưởng và ở lại hoặc ra đi với tâm hồn nhẹ nhõm mà thôi.
Riêng
tôi thì tôi sẽ không ra đi, mà ở lại Sài Gòn. Chỉ vì mấy lời: “Em về thì anh để
cho ai”, mà ai đó vẫn nói hằng ngày. :D
Nhận xét
Đăng nhận xét