Cơm
Là người Việt, mình thích ăn cơm riêng trong chén nhỏ vì cơm sẽ luôn khô sạch, không lẫn với các món khác rồi ướt nhèm nhẹp. Một đũa cơm ăn kèm một miếng thịt, miếng rau, ăn như thế cảm thấy ngon hơn, bữa ăn cũng trở nên cẩn thận và cầu kỳ hơn.
Chén ăn cơm phải tìm đúng loại chén nhỏ, cầm vừa tay, ăn hết xới chén khác, chứ không ăn trong chén hay tô quá to. Mình nghĩ tác dụng của chén nhỏ là giúp tay cầm không bị nặng và cơm không bị nguội trong lúc ăn, vì chưa kịp nguội đã vơi, ăn chén hai sẽ lại có cơm nóng từ nồi. Đĩa đựng thức ăn cũng không nên quá to, vì mâm cơm Việt có đặc điểm là chia thành nhiều món khác nhau, đĩa to chiếm diện tích nhiều mà để đồ ăn dư chỗ nhìn xấu.
Mỗi bữa ăn sẽ có món mặn ăn kèm, như thịt, rau (nếu rau luộc lạt thì chắc chắn sẽ có thêm chén nước mắm đậm đà bùi vị cá). Một thành phần tưởng vô thưởng vô phạt nhưng thiếu đi sẽ thấy bữa cơm khô khan ấy là bát canh. Canh của người Việt sẽ không sệt đặc quánh như súp của người Tây. Nó lõng bõng nước, thoang thoảng rau, có cá thịt cắt khúc hoặc băm nhỏ, điểm thêm rau thơm, nhiều khi trông đủ màu sắc, ngon mà cũng đẹp nữa, đẹp mà cũng đủ chất, nhiều thứ nhưng thứ nào ra thứ nấy không nát bét trộn lẫn vào nhau như súp bên này.
Bữa nào ăn kiểu Việt là mình lại nhận ra rằng cơm trong bữa ăn Việt không phải một thành phần bình đẳng với các thành phần khác như trong bữa ăn Tây, mà là thành phần chính. Thịt, cá, rau, canh chỉ nhằm mục đích “đưa cơm”, là món phụ hoạ để ăn được nhiều cơm. Bởi thế ở Việt Nam, món gì ngon thường được khen là “hao cơm”, “tốn cơm”. Trong tiếng Việt, trừ bữa sáng ra thì ăn gì lúc nào cũng đều gọi là “ăn cơm”.
Chén cơm như thế là linh hồn của mâm cơm Việt. Và cả… dạ dày Việt, tại vì nó giúp no lâu. Ở bên này nhiều hôm mình cũng ăn bánh mì cho… giống người ta, dĩa thức ăn của mình trông cũng đầy đủ thế mà đêm về bụng vẫn reo rột rột, lúc đó mới thấy mình thiếu cơm, mình cần cơm. Có lần gửi ảnh ăn bánh mì xúc xích salad cho người nhà xem, dù trông bữa ăn cực kỳ dinh dưỡng, người nhà mình vẫn hỏi “cơm đâu mà con phải ăn bánh mì?”. Hồi bé mỗi khi mình ăn bún phở nhiều, mẹ mình cũng hay cảm thán: “hôm qua giờ trong bụng con chưa có hạt cơm nào đấy”. Nghĩ một cách logic thì cũng không hẳn là mình “không có hạt cơm nào trong bụng”, vì bánh mì hay bún phở thì bằng một cách nào đó cũng quy đổi được thành cơm. Chỉ là, tự nhiên như thế, ai cũng có một cảm giác rất yên tâm khi ăn cơm, gọi là “chắc bụng”. Chỉ đơn giản là, hôm nào ăn được ít nhất hai chén cơm, hôm đó yên tâm ngủ tới sáng không sợ bị đói. Cơm Việt ăn là để no, để cày cuốc (nghĩa đen và nghĩa bóng), chứ người Việt ít có cái kiểu tối đến thảnh thơi làm thêm bữa dessert.
Cơm xúc bằng muỗng cũng tiện nhưng phải dùng đũa mới đúng điệu. Nhìn miếng cơm trên đũa hẳn là chênh vênh hơn trên muỗng nhưng khi ăn trông lại nhẹ nhàng thanh lịch hơn. Khi cơm còn ít trong chén, khó gắp, thì đưa chén lên miệng lùa vào, gọi là “và”.
Gạo nấu cơm cũng phải đủ dẻo thơm, ăn mới ngon mới ngọt. Mình từng thử ăn gạo rời bên này, không có ý kỳ thị nhưng ăn thấy khổ sở như nhai cơm tù (chắc mấy bạn ăn gạo rời quen cũng khó chịu y vậy khi ăn gạo dẻo dính). Hôm chợ gần nhà đột ngột tăng giá gạo lài lên gấp rưỡi, mình suýt khóc, nhịn mua, về nhà đổ gạo lứt gạo nếp ra nấu, ăn cầm hơi, chứ nhất quyết không mua gạo “cơm tù” kia. Rồi gạo lài về giá cũ, thậm chí mình còn tìm được chợ bán giá rẻ hơn chợ gần nhà tận 0.5€, mình lại mua về nấu, lại ăn mỗi ngày, mà sao cảm giác nó còn ngon hơn xưa, ăn một miếng như muốn lên chín tầng mây.
Vài dòng nhảm nhí chẳng biết có được gọi là cảm nhận của người Việt xa xứ, chia sẻ của du học sinh này nọ hay không. Làm sao mà làm clip tiktok hay YouTube về mấy thứ này được. Làm sao mà post mỗi ngày kể lể về mấy thứ như này được. Phải sống cả năm trời, loay hoay bao lần “sửa” bữa ăn của mình cho vừa vặn với nền văn hoá mình đang sống, cho bớt lỉnh kỉnh chén bát, mà vẫn thấy sai, thấy lóng ngóng, thấy thiếu thốn vô phương, rồi một hôm ốm nằm xèo như con mèo, lúi húi dậy tự nhủ nấu cái gì thật ngon mà thật no cho mình nào, thì mới nhận ra mình chỉ thích ăn cơm kiểu Việt. Phải sống giữa biết bao là bánh mì ngũ cốc bơ sữa rồi một hôm nấu thử bát canh chua cá với thì là bỗng ăn được ba bốn chén cơm, rồi phải chứng kiến cuộc sống thay đổi ra sao kể từ khi đi chợ đồ cũ mua được hai cái chén ăn cơm nhỏ men xanh, thì mới hiểu “không ai lấy được quê hương ra khỏi con người”.
Từ hồi sang Phần mình ít nói lại, biết bao trải nghiệm hay dở mỗi ngày chỉ giữ trong lòng hoặc kể với người thân, vì nhận ra nó vượt quá phạm vi thể hiện của một cái tút hay một clip trên mạng xã hội. Nhưng bên trong, những câu chuyện cứ đầy lên, sâu lắng dần. Trước đây mình viết thường vì nỗi sợ những câu chuyện sẽ phai nhạt đi vì thời gian và trí nhớ. Nhưng giờ mình mới biết những câu chuyện không mất đi, nó sống trong những hình dạng khác nhau, được lưu giữ bằng nhiều cách khác nhau, chờ một ngày được kể. Không chỉ là câu chuyện của mình, mà của cha ông, của nhiều lớp lịch sử. Như hôm nay nhiều dòng thời gian khác nhau đều đã hiện về trong chén cơm mình ăn giữa một căn phòng trống, sau cơn ốm dài nhất vài năm qua.
Nhận xét
Đăng nhận xét