Nhân chuyện sửa quần

Ngồi sửa cái quần bằng tay mà thấy lâu lắm rồi cuộc sống không có chỗ cho những tỉ mẩn thong thả như vậy. 

May vá thật sự rất “thiền”, mình cũng có những tháng ngày ngồi may miệt mài đủ thứ trên đời mà không màng tính toán gì cho tương lai cả. Hồi đó khi đạp máy may, trong đầu mình hay nghĩ tới đoạn văn của Thích Nhất Hạnh trong một cuốn tên là Tình người: 

"Các chú có nghe trong Kinh dạy rằng ngày xưa có một vị đại đệ tử chỉ nhờ khâu y mà chứng ngộ không? Để thầy nói cho nghe. Vị đại đệ tử ấy thường tìm sự thích thú an lạc trong việc vá lại những chiếc y đã rách, vá lại cho mình và những bạn đồng tu. Mỗi khi đâm qua một mũi kim, ngài làm phát sinh một tâm niệm lành, một tâm niệm giải thoát. Cho đến một ngày kia, khi mũi kim vừa thấu qua làn vải, ngài liền thấu suốt được một pháp môn thâm diệu, và trong sáu mũi liên tiếp, ngài chứng được lục thông." 

Lâu lắm rồi mình chẳng còn động vào may vá, máy may cũng đã bán từ lâu. 

Mình đang ngồi sửa cái quần kaki mới mua, lên gấu một chút - vấn đề của người lùn ấy mà. Nhớ quá ngày xưa còn nhỏ hay lẽo đẽo theo chị đi lựa quần áo. Mua xong về nhà, các chi tiết không vừa ý chị thường tự tháo ra sửa. Mình còn nhớ cách chị lên gấu quần jean sao cho thật giống ngoài hàng. Hàng cúc áo nếu thưa có thể dùng cúc bấm bằng kim loại may thật khéo giấu vào bên trong. Đôi khi chị mua hạt đá tự đính lên đồ bằng bàn ủi. 

Thời đó mọi thứ thật chậm rãi. Bây giờ ngồi sửa đồ một lúc đã thấy mỏi nhừ tay, nhấp nhổm sốt ruột. Chi bằng đem ra ngoài hàng. Loáng một cái là đẹp như mới cần gì vất vả. Bảo sao mình chạy dài mới được khéo tay như chị năm xưa.

Nhưng thế hệ của mẹ mình mới gọi là siêu! Ngày xưa mẹ đan cả áo cho hai anh em mặc. Áo mình màu đỏ cổ cao có viền vàng trông rất đơn giản. Áo anh mình màu xanh thiên thanh có nhiều hoạ tiết rất đẹp, mẹ còn đan được cả tên anh ở trước ngực. Giờ đi du học, mỗi khi trời lạnh chuẩn bị áo len mình thường nghĩ tới mẹ. Trời ơi bao nhiêu công sức mẹ bỏ ra mới đan được một cái áo như thế! Giờ áo len đủ kiểu, đủ màu, chỉ cần có tiền thì muốn đẹp cỡ mấy cũng có. Những kỹ năng của mẹ chẳng có cơ hội truyền lại cho thế hệ mình nữa rồi. Mẹ cũng đã chẳng còn đan áo như xưa.

Thời gian trôi, cuộc sống hiện đại và khấm khá lên nhiều quá. Nhưng mỗi khi tần ngần đứng ngoài hàng mân mê một vạt áo đẹp, nhẩm tính tiền, người sinh viên nghèo là mình chợt hiểu tại sao ngày xưa khi khó khăn người ta chuộng tự may đan quần áo. Mình bỗng như hiểu ra bao lo toan thu vén của mẹ trong những năm tháng cả đất nước đều khó khăn.

Giờ này ngồi nhớ chuyện vá vá khâu khâu thấy sao mà xa ngái. Mấy tiệm bán quần áo local brand giờ toàn đặt thợ gia công. Thành phố vẫn còn hàng may đo nhưng có vẻ lác đác. Những kỹ năng như thế này dễ chừng mà thành lạc hậu. Thế là ngày xưa khi mê may vá, mình có thể đã đi thụt lùi so với bao người vì một thú vui lạc thời. 

Sang bên này, mình thấy cuộc sống hiện đại hơn nhiều lắm. Phần Lan ít người nhiều máy móc, ra chỗ công cộng cái gì cũng tự động, cả siêu thị mênh mông có khi chỉ có một nhân viên đứng thu tiền cho những người không xài thẻ như mình. Oulu nơi mình sống là cái hub công nghệ, được coi là một trong các “living lab” của châu Âu, cá nhân mình cũng đã có nhiều trải nghiệm hiện đại tới hoang vu. Mình nhớ cái nơi và cái thời mà con người có thể tự tay làm hết và nhờ thế mà các món đồ luôn có dấu vết bàn tay ai đó chăm chút, tình cảm thay.

Người ta nói đừng chạy theo những thứ hợp thời chốc lát kẻo sau này hối hận. Nhưng dường như cuộc sống cũng không dành cho kẻ đuổi theo những thứ lạc thời. Mình cũng đã đi xa nhiều so với ngày xưa, cái thời vùi đầu mộng mơ với sách vở trong một thứ ngôn ngữ mà trẻ con bây giờ chúng nó chỉ xếp cho đứng hạng hai sau tiếng Anh. Mình cũng chạy theo một chương trình rất là “technology” để đỡ cảm thấy bản thân tụt hậu. Càng đi càng ngỡ như cách xa cả thế kỷ so với cái thời khó nghèo mà chăm chút, mặc chiếc áo len mẹ đan tới tận lớp ba chưa chịu bỏ đi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?