vài thứ gần đây
(dạo này nghĩ nhiều mà lười viết quá phải ủn mông bản thân siêng viết lên một tí kẻo quên mất) - à và chuyện học hành mình sẽ update chủ yếu bên này nha: aliceinfinland.blogspot.com
đầu tiên là chuyện khóa học. có những khóa học mình cảm thấy cực kỳ phê, mở mang, nhưng cũng có những khóa thật sự thì nó tốn thời gian, còn không khoái bằng mình ngồi một mình tự đọc articles và đọc sách chuyên ngành nữa. giảng viên cứ bỏ đầy chữ vào slide xong rồi đọc từ đầu tới cuối, nội việc nhìn để xem chữ nào với chữ nào đã rối rồi, nghe câu được câu mất, mà chỉ đọc lại slide rồi paraphrase chút xíu cho nó khang khác như thế thì thôi, mình nói thật cho mình vài tiếng ngồi tự học, mình in slide ra đọc xong tự tham khảo tài liệu nó thấm hơn nhiều, lại tiết kiệm thời gian cho nhau (suy cho cùng nhìn lại, việc mình thấy sung sướng nhất vẫn là được tự đọc articles và mấy chapter trong sách, bữa giờ đọc được gì cũng thấy hấp dẫn hết trơn, sáng ra bao nhiêu là ý tưởng). thời bây giờ mình nghĩ rằng ai cũng nên có cái tư duy tiết kiệm thời gian cho đối phương, nếu lôi người khác ra nghe mình nói thì hãy chắc chắn rằng mình có gì đó đáng nghe, hoặc là nhân đó mình tạo hoạt động tương tác để trao đổi kiến thức đi, để sinh viên trao đổi với nhau đi, nó ra cả tá vấn đề mới. học kiểu ngồi nghe giảng viên nói từ đầu tới cuối không phải lúc nào cũng nhàm (vì có những giảng viên mình chỉ muốn hứng từng chữ vàng ngọc của họ í), nhưng nếu giảng viên đọc slide máy móc, giọng buồn ngủ và nội dung chán thì thật sự là tra tấn
tất nhiên như đã nói thì các khóa học rất là có this có that. cũng có nhiều người mình thích ví dụ như cô Karin, siêu tinh tế, chu đáo và sáng tạo trong cách dạy, mà khổ thay những người như thế thì thường họ nói không thôi cũng hay rồi í, cô ngồi nói cả buổi mình vẫn thấy hấp dẫn (ví dụ như ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=-LeW-0xN3nQ&t=2s) nhưng không, cái gì có thể tự đọc tài liệu thì cô không nói lại nhiều. cô để thời gian cho tụi mình làm mấy hoạt động nhìn thì đơn giản mà đầy dụng ý luôn nha, lại khéo đổi kiểu hoạt động liên tục rất đỡ buồn ngủ. hoặc như hôm qua có một guest lecturer dễ thương lắm, cả buổi chỉ cho bọn mình đặt câu hỏi và tự làm việc xoay quanh các câu hỏi đó, kịch bản của buổi học ko thể đoán trước vì nó phụ thuộc vào các diễn biến mới của những câu hỏi tụi mình đưa ra, nhưng giảng viên sâu sắc, ứng phó trên tình huống mới kiểu gì cũng không giấu được cái duyên và hiểu biết, để rồi kết lại tiếp tục là một vài câu hỏi mở về việc... đặt câu hỏi. cả buổi học như một phép ẩn dụ hay, đi vào lòng người. (à, ông thầy này cũng do cô Karin mời về cho bọn mình)
rồi, sang chuyện thứ 2 là chuyện nghe tiếng Anh. lo lắng phổ biến nhất trong những ngày đầu học bằng tiếng Anh của sinh viên thường là "nghe có hiểu không". mình ít khi gặp phải vấn đề đó có lẽ do người Phần nói chậm, tính tình từ tốn và họ cũng là non-native speaker nên dùng từ không quá cao siêu. mình dĩ nhiên cũng có những khi không nghe được. tuy nhiên mình luôn tự đặt câu hỏi vì đâu, bởi vì nói thật là không nghe được nó có một tỷ lý do đến từ cả hai phía. vài ví dụ nhé: bạn và người đang nói có đang cùng dựa trên một góc nhìn, có cùng chung một số sự thật ngầm hiểu, có bao nhiêu tương đồng về lập trường, kiến thức nền của người nghe về vấn đề này là ở mức nào, rồi thì người nói có cái ý thức nói năng cho rõ ràng sáng sủa logic hay không hay bạ gì nói đấy loạn cả lên, hoặc nói liên thanh không nhấn nhá tương tác không cần quan tâm tới người nghe, vân vân. mình nghĩ về mấy chuyện đó vì rằng là có rất nhiều người Việt nói mà mình còn chẳng hiểu huống chi người nước ngoài. nhiều người Việt nói năng lộn xộn, nói mà không muốn ai hiểu, hoặc họ cũng chưa chắc cần người hiểu mà cần chọn lọc đúng đối tượng nghe nên không quan tâm tới việc làm cho lời mình nói trở nên dễ tiếp cận (như mình khi viết cái post này đây, cứ mặc kệ cho nó lộn xộn như thế vì không quan tâm lắm được bao nhiêu người đọc), hoặc chính họ cũng không hiểu điều họ nói chỉ chém gió linh tinh nghe cho xuôi xuôi tai. đủ yếu tố tác động. nên mình không hay cảm thấy quá lo lắng khi không nghe được, cũng không thích phán xét người khác và bản thân là nghe được ít hay nhiều, như vậy là dốt hay giỏi tiếng Anh. cái quan trọng là tiến bộ bao nhiêu, cái quan trọng là cần về nhà nhìn lại xem chính xác vấn đề bắt đầu từ đâu để có cách khắc phục đúng. hơi phũ phàng nhưng thật sự là đôi khi để nghe được nhiều thì nên tìm đúng người có thứ đáng cho mình nghe và biết cách nói cho người khác nghe ấy ("nghe" hiểu theo nghĩa cực kỳ sâu sắc của từ này)
chuyện thứ ba là làm việc nhóm. hic. kỳ 1 cho mình sự thăng hoa thế nào khi được làm nhóm với mấy ông siêu thông minh lanh lợi nhiệt tình như ông S. và ông T. thì kỳ 2 mình lại mệt mỏi bấy nhiêu vì cách làm việc của team mới quá khác cách mà tụi mình đã làm trong kỳ 1 (và thành công). nản nhất cái chuyện làm việc không có plan, không rõ mục tiêu mình muốn gì, xong hơi tí lôi nhau ra họp, họp tối ngày sáng đêm, càng làm càng rối càng họp nhiều thêm, khúc mắc tí là lại họp. hợp tác kiểu đó mình tưởng là một khái niệm lạc hậu rồi? vài kinh nghiệm đã cho mình hay rằng phần làm việc/chuẩn bị của mỗi cá nhân có thể quyết định tới 50% chất lượng làm việc nhóm, làm cùng nhau không phải là ngồi xáp vô rồi bàn bàn nói nói mà mỗi người có thể nhân lên thành quả nhóm bằng chính thời gian tự nghiền ngẫm vấn đề, tự làm hết sức phần việc được giao. họp là để thống nhất, giao việc, check tiến độ, thảo luận khi có vấn đề nảy sinh. ví dụ như có lần S. nó nghiên cứu được cả đống thứ xong tới buổi họp nhóm nó present mà bọn mình cảm thấy như đang dự một buổi học vậy, cảm thấy vài vấn đề của nhóm có thể được tháo gỡ ngay tức khắc và việc còn lại của bọn mình không phải là ngồi nhìn nhau cùng bứt tóc vò đầu mà chỉ còn là chọn cái nào bọn mình thích nhất trong những cái mà S. đã nghiên cứu. hoặc ví dụ như mình (hehe), có một hôm mình bỏ cỡ 4 5 tiếng research cái file như hình dưới đây (nó là tổng hợp resources và thử làm bản nháp cho cái plan bọn mình phải nộp), cuối cùng tất cả các resources và phác thảo mình đưa đều xài được, đều được nhận xét là đúng hướng và bọn mình đi được một nửa đường luôn, việc còn lại chỉ là đặt câu hỏi, giải đáp cho nhau và cùng nhau polish cái bản đó để nộp một cái rẹt. mình tin rằng làm việc nhóm không có nghĩa là khi nào có nhóm mới làm.
bây giờ thì mình đang dần kiệt quệ vì càng cuối kỳ họp càng nhiều. nhưng làm sao mà tránh được, cuộc sống mà 🤣, sau này đi làm cũng sẽ gặp chuyện/người như thế thôi, với lại đây là cơ hội để mình quan sát và hiểu các quan niệm làm việc khác mình, hiểu được gốc rễ tại sao họ lại có cách làm việc đó, có hẳn là họ không biết cách kia không, hay thực sự có nguyên nhân gốc rễ sâu xa. rồi thì thật ra một dự án chả bao giờ đi theo ý của riêng mình, nếu một người quá mong muốn nó đi theo hướng của họ thì hãy để họ làm vậy, ráng giúp nhóm trong tình thế đó, rồi quan sát kết quả xem thế nào, lỡ họ có lý nào đó thì sao. chứ còn biết làm gì hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét