Ai làm cho bể kia đầy? (hay Mình nói gì về ‘Essex truck deaths’)



Thoạt đầu, khi nghe tin những người có thể là đồng bào mình ra đi nơi xa xứ trong lạnh giá, sinh ra là con người mà không được chết đi như một con người, mình không biết nói gì. Một cái gì đó đang đi ra khỏi giới hạn của cái đứa bình thường lanh chanh là mình. Trong đầu mình lúc đó vang đi vang lại rất rõ mấy câu thơ của Bùi Giáng:

“Năm ngón
Mười ngón
Món người
Non ngắm
Nắm ngon.”

Muốn nói: “Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu”. Bởi vì, khi bạn gồng lên trong đau khổ đã quá lâu, thì bạn có quyền khóc một chút. Khóc thật to, khóc cho thấu trời xanh, cho “mảnh đất nghèo máu ứa”, cho “Việt Nam khốn khổ” được lắng nghe.

Những hôm sau đó, mình bắt đầu đọc thêm nhiều bài báo. Trong đó, mình thích cách viết của CNN trong bài báo này. Bạn có thể đọc được ở đây những câu chuyện thật tỉ mỉ. Thật xa, mà thật gần. Đó có thể chính là bất kỳ một người họ hàng nào đó của bạn ở những vùng quê xa xôi. Với riêng mình, có một danh sách dài mình có thể kể cho bạn về những người họ hàng gần xa. Nhưng để một dịp khác.

Cái mình thấy ở đây: cái chết đau đớn cho thấy rõ ràng lựa chọn trước đó là sai. Nhưng nếu quay lại từ đầu, chúng ta sẽ làm gì để đúng hơn?

Lựa chọn nào cũng có được, mất. Nhưng khi người ta có quá ít lựa chọn, buộc phải quyết định trong tình trạng thiếu thông tin, thì kỳ diệu thay, con người luôn chọn hy vọng, đặt niềm tin và sẵn sàng take risk. Mình cho rằng đây là điều đẹp đẽ nhất trong câu chuyện thương tâm này. Bảo họ ngu dốt, dại dột, tham lam, lười suy nghĩ, cũng được! Nhưng xin hãy nhớ rằng điều bạn không bao giờ lựa chọn có thể là con đường sống duy nhất của ai đó. Mỗi chúng ta đều sống trong những giới hạn vật chất và nhận thức khác nhau.

Tuy nhiên, sự việc lần này đã gióng lên hồi chuông rằng sinh mạng con người quý giá đến nhường nào. Dù cho đó là những con người bần cùng sống không bằng chết, họ cũng xứng đáng được sống tiếp một ngày mai, ngẩng mặt dưới ánh mặt trời.

Đó là điều họ không thể tính toán cho chính họ, mà người cầm quyền nên lo lắng cho họ. Đó mới là công việc của các vị ấy, chứ không phải đêm ngày chỉ nghĩ cách “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Thử nghĩ xem, con dân của họ, hưởng nền giáo dục của họ, mà khi lớn lên không thể nào tồn tại ở vùng đất sinh ra mình, phải “thà làm ma đất khách còn hơn làm dân nước Nam”. Có lẽ nào đó là lỗi của chính những con dân ấy?

Một lần nữa thật muốn ai oán: “Ai làm cho bể kia đầy?”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?