Một tí cái tình
1. Bỗng nhiên mình mong sao em học sinh nào cũng được học Văn một cách tử tế, tốt nhất là hơn thế hệ mình, hoặc ít ra cũng được như mình từng may mắn thọ giáo các thầy cô của mình.
Vì khi đó, có thể em sẽ biết được rằng nhiều câu chuyện hôm nay là không hề mới.
Lấy ví dụ, người xưa từng than thở:
Thương thay con cuốc giữa trời
Dầu kêu ra máu có người nào nghe.
Con cuốc chính là những người thấp cổ bé họng trong cuộc đời.
Em cũng sẽ biết được câu chuyện về những người dân lênh đênh mặt nước, chiếc bóng thảm sầu trong khi quan phụ mẫu “sống chết mặc bay” ngồi trên nhà cao, ấm áp, vui vẻ. Đó là truyện ngắn đầu tiên của Việt Nam, do Phạm Duy Tốn viết, trong thời kỳ mà bóng đêm của chế độ phong kiến hãy còn bao trùm.
Em cũng sẽ đọc được nỗi thương dân đau đáu của Nguyễn Trãi, Đỗ Phủ, trong đau khổ của mình vẫn chỉ ước cho khắp thiên hạ đều hân hoan, thái hoà. Em sẽ khó quên tâm sự “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, lo trước kẻo dân phải lo sau, còn cái vui thì xin được vui sau bá tánh của Phạm Trọng Yêm đời Tống.
Và lòng em bỗng dấy lên lần đầu nỗi “thương dân”. Nghe to tát quá phải không em? Văn chương hướng em chạm tới một chút “cái cao cả” (sublime - từ này thầy Hiếu dạy mình một lần và mình nhớ mãi), để em bắt đầu quan tâm tới một cái gì đó rộng hơn chính mình. Em ý thức về trách nhiệm của mình. Và điều tuyệt vời nhất, em TIN vào khả năng mình có thể làm được gì đó để người xung quanh em đỡ sầu đỡ khổ, không chỉ là chuyện góp tấm áo miếng cơm, mà còn bằng cách sử dụng tiếng nói, quyền hạn của mình trong tình yêu lẽ phải.
2. Mình vừa đọc được chia sẻ của một vị lãnh đạo chính phủ Nhật hay Hàn gì đó, đại ý biết có đợt nắng nóng, để đảm bảo sức khoẻ cho dân thì họ giảm giá điện.
Lý do mình không nhớ rõ, vì mấy ngày vừa rồi mình thấy nhiều tin như vậy quá, mình biết và tin chắc chắn rằng có nhiều hơn một quốc gia mà lãnh đạo có tư duy đó.
Và mình cũng biết rằng có nhiều phân tích cho rằng không có gì bất hợp lý trong việc hoá đơn điện tăng. Và mình cũng có phần đồng ý với những con người nhân danh lý trí ấy vì mình đôi khi cũng nhân danh lý trí lắm.
Ấy thế nhưng, dân mình có câu “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”.
Thứ phản xạ người ta quăng ra ngoài, đều cần một sự giải mã. Mà trong nhiều trường hợp, giải mã bằng cộng trừ nhân chia là lạnh lùng.
Chính phủ quản lý người dân, bên cạnh quy định, luật pháp, chắc hẳn còn cần cả sự quan tâm chia sẻ mà người ta thấy thiếu so với những câu chuyện ở nước bạn mà họ share với sự thèm muốn. Nhưng điều này chẳng có trong luật nhỉ, nên cũng không biết nói sao. Có những điều, chỉ có thể coi là luật của trái tim, và chỉ có toà án lương tâm phán xét mà thôi.
Không có dân thì sẽ ra sao nhỉ? Đôi co phần thắng với dân có khi không khôn ngoan bằng dùng “một tí cái tình” cho mát lòng nhau giữa mùa nắng nóng nhỉ?
Cái người dân thiếu, và than thở, không hẳn là chuyện tiền. Mà còn là cảm giác về một sự tàn nhẫn trong nghịch cảnh, trong sự đối đãi giữa người với người.
3. Mình mong nếu học sinh của mình trở thành những người làm chủ đất nước sau này, trong cách hành xử của em, luôn có chỗ cho “một tí cái tình”.
Em sẽ không đổ ngược lời trách móc lên dân. Dân luôn có những mông muội riêng của họ, điều đó là đương nhiên. Nguyễn Trãi xưa gọi dân là “dân đen, con đỏ”, không có ý coi thường, mà thật sự ông coi họ như những đứa con còn đỏ hỏn, phải nâng niu, bảo vệ, rồi chỉ dạy gì mới chỉ dạy.
4. Ở đất nước này dường như dân phải hiểu cho nhà nước, cấp dưới phải hiểu cho cấp trên, học sinh phải hiểu cho thầy cô nhiều quá! Hôm qua mình đọc quy định mới của bộ giáo dục, thấy có quy định phải YÊU THƯƠNG (nguyên văn) thầy cô. Cái từ yêu thương ấy, nếu nó được thực hành đúng cách giữa người trên với kẻ dưới, thì chiều ngược lại không cần mong cầu. Trẻ con vô cùng công bằng, dân chúng cũng rất công tâm.
Ai cũng kêu gọi vì đại cuộc, rốt cuộc những tiếng nói của những con người nhỏ bé tan biến dần rồi mất hẳn. Như con cuốc giữa trời.
5. Mình là một cái khe hẹp trong cuộc đời này, chưa định vị được vị thế của mình ở đâu trong những giai tầng, chức trách. Dầu có nói gì, cũng “biết người nào nghe”. Nên mình chỉ biết buồn thôi, và quay lại với công việc giáo dục, nhìn vào ánh mắt trong trẻo của tụi trẻ con để lấy lại niềm hy vọng.
Hình: cô Hà và Sơri chúng mình cùng chung tay và “chung chân” nha!
Nhận xét
Đăng nhận xét