Chuyện định kiến



Ngày lễ, ngồi lai rai mấy món nướng tại nhà với nhiều cô chú anh chị, lắng nghe câu chuyện của những người dạn dày kinh nghiệm đi làm.

Lan man lại dẫn tới chuyện định kiến về người nơi này, nơi kia. Thanh Hoá thế này, Nghệ An thế nọ, Hà Tĩnh thế kia, ...

Con nhỏ ngồi tròn mắt, lắng nghe. Trong đầu có mấy suy nghĩ:

1. Định kiến tất yếu sẽ hình thành, trong bất kỳ nhóm người nào. Nó không hẳn là ác ý, mà chỉ là thói quen, xu hướng đúc kết, khái quát, hình thành những kinh nghiệm ứng xử để người sau dễ dàng hơn người trước, ít sai lầm hơn người trước.

2. Điểm chung trong tính cách con người theo vùng miền là có thật. Điều này khỏi cần chứng minh, những đặc điểm lịch sử, văn hoá, kinh tế, thiên nhiên sẽ hình thành nên những lối ứng xử đặc trưng, giúp cho con người mỗi nơi thích nghi với nơi đó.

3. Bất cứ vùng miền nào cũng có những nét chung trong tính cách, không riêng gì mấy tỉnh nói trên. Có điểm hay, điểm dở. Tuy nhiên, luôn sẽ có một vài xu hướng được chấp nhận, mạnh lên, trở nên phổ biến, vì nó phù hợp nhất với đặc điểm xã hội ở thời điểm đó. Và tất yếu, một vài xu hướng quá khác biệt sẽ bị loại trừ. Định kiến hình thành từ đó. Sẽ thú vị nếu tới các vùng đất bị định kiến, sẽ thấy ở đó cũng có những định kiến về các vùng đất khác: ví dụ ta có thể nghe người Thanh Hoá trò chuyện với nhau rằng người Hà Nội thì thế này, người Bình Định thì thế kia, v.v.. ^^ Nhưng những định kiến này không có điều kiện mạnh lên để trở thành diễn ngôn dẫn dắt số đông.

4. Định kiến không chứng tỏ một chân lý nào. Thậm chí, nó gợi cho chúng ta tìm hiểu thêm về những đối tượng “bị định kiến”. Trong sự nghịch chiều, thách thức lẽ thường của nó, chắc chắn ẩn chứa những điểm thú vị mà một đối tượng nhàn nhạt, an toàn không có được. Các giá trị trung bình thì dễ trường tồn, vượt ra sự trung bình thì hoặc là thắng thế, hoặc bị coi là ... thảm hoạ. Mình từng chơi với nhiều bạn Thanh Hoá, mình thấy họ có nhiều nét tính cách hơi bị hay luôn! Và dĩ nhiên hỏi mình cái hay của người Nghệ An Hà Tĩnh, mình cũng có thể viết được một ... chương sách. Nhưng mà thôi, hihi.

5. Mỗi khi xảy ra sự loại trừ, định kiến, chúng ta đều có thể nhìn xa hơn một chút, vượt khỏi các cảm xúc cá nhân để nhìn thấy một xu hướng nào đó của tâm lý con người và xã hội. Định kiến là lựa chọn của người hình thành nó, tin nó, sống theo nó. Phản ứng ra sao với định kiến là lựa chọn của chúng ta. Không cần chửi lại người định kiến với ta. Trời ơi, chi vậy, họ đúng mà!

6. Cá nhân mình thì luôn thích sống như một bản thể duy nhất, có sự kết hợp cả cái hay và cái dở của những nơi mình từng sống qua, đi qua. Người ta phán xét, rồi sẽ nhận ra hình như có gì sai sai trong phán xét của mình, rồi lại hình thành một phán xét mới, rồi lại thấy ... vẫn cứ sai sai. Đó là chuyện của họ, là xu hướng tất nhiên của não bộ, của cộng đồng, là điều mình không can thiệp được.

Nhưng điều quan trọng là trong quá trình hình thành định kiến, mỗi người nên bị thử thách bởi những ngoại lệ, và họ sẽ tiến gần với cách nghĩ đúng nhất.

7. Nếu nghĩ rộng hơn một tẹo, sẽ thấy chẳng ai vô can. Người vùng này định kiến với vùng kia, rồi cả đám người đó lại bị định kiến bởi một đám người khác. Miền Bắc có nhiều định kiến lẫn nhau giữa các tỉnh, miền Nam cũng vậy. Miền Nam có định kiến với miền Bắc. Nước khác định kiến với Việt Nam. Châu này định kiến với châu kia. Trường hợp Taiwan chắc là minh chứng cho sự định kiến khủng khiếp với người Việt, định kiến trở thành luật lệ, sách lược. Một quốc gia hổng thể sai lè lè, họ có lý do của họ. Cho nên, mình luôn nghĩ sự tồn tại của mình ở LSTS là một ca hay, là sự xảy ra của một định kiến kép, không, một định kiến 3 lớp: Nghệ An - định kiến của người hai miền ^^, Bắc Kỳ - định kiến của người miền Nam, Việt Nam - định kiến của người Taiwan.

8. Từng sống ở cả ba miền, yêu đương thì toàn chọn người khác miền để tìm hiểu, một đứa thích thú với sự khác biệt văn hoá thường xuyên chứng kiến các sự việc chống lại sự khác biệt và đa dạng. Bởi vậy còn muôn trùng chuyện nhỏ để kể xoay quanh đề tài này, nhưng thôi, để hôm khác rảnh sẽ kể.

Hết lễ. Đi ngủ!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?