Ghét đến hết đời

Tình cờ nghe được có cô kia (ghét mình lắm), tuyên bố cô ghét ai là sẽ ghét đến hết đời, suy ra cô sẽ ghét mình đến hết đời.

Dạo này nghe mấy chuyện như vậy thấy bình thường, chỉ như một đề bài để mà suy nghĩ - không hơn. Thế thì, mình nghĩ gì?

Cuộc đời thay đổi liên tục, một người có thể kiên định không đổi để "ghét ai đó đến hết đời" cũng có thể gọi là có sức mạnh tinh thần khá là quật cường.

Nghĩ thêm một chút thì thấy, nguyên do chắc là họ sợ sự thay đổi. Ừ, kỳ lạ lắm, nhiều người sợ sự thay đổi lắm. Chính cô đó hồi năm 2 đã khó chịu với mình khi thấy mình cười nhiều chứ không ủ dột như năm 1. Có nhiều người dị ứng với sự thay đổi, nghĩ thay đổi là xấu: không dứt khoát, không chân thật,... nên họ thà "ghét thủy chung" còn hơn trước ghét sau yêu. Buồn cười nhỉ? Họ định nghĩa thay đổi như thế nào nhỉ?

Kiên quyết "ghét ai đó đến hết đời", có vẻ là một nỗ lực xây dựng tính cách cá nhân nhất quán, nhưng thực chất là tự cầm tù mình. Cô quyết định "ghét", rồi sau đó cô ghét hoài, ghét mãi, bằng mọi cách thể hiện lòng ghét. Cô giữ lòng ghét như giữ lý tưởng trong tim. Cô canh gác cẩn mật cho lòng ghét như sợ chỉ một phút xao lãng mình sẽ ... quên mất ghét, tệ nhất là lỡ thấy người ta ... yêu yêu là ngay lập tức phải phản tỉnh, nhắc mình: ghét lại mau. Khổ sở!

Nghĩ lại hồi năm 2, cô khó chịu với mình, phải chăng do cô sợ từ nay mình tươi tắn rồi thì biết đâu cô sẽ "yêu" mình mất tiêu, nhiều người khác từng ghét cũng sẽ "yêu" mình mất tiêu, thế thì lời nguyền của cô hết thiêng còn đâu?

Cuộc đời hôm nay đã khác hôm qua, cái người cô ghét đã khác, bản thân cô cũng khác, lòng ghét lòng yêu hay tình cảm và suy nghĩ của cô cũng khác đi theo thời gian. Tội nghiệp cô vì một tuyên bố ngây thơ mà tự giam mình trong tù cả đời.

Tội nghiệp!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chòm sao hình dấu hỏi

[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Mình có cần yêu?