30 days of writing #4: Phim "Into the wild"
Không phải review.
"Into the wild" là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Christopher McCandless, sinh năm 1968, mất năm 1992. Chân dung anh được biết tới qua một bức ảnh nổi tiếng với nụ cười kỳ lạ:
"Into the wild" là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Christopher McCandless, sinh năm 1968, mất năm 1992. Chân dung anh được biết tới qua một bức ảnh nổi tiếng với nụ cười kỳ lạ:
Chris bỏ nhà ra đi sau khi tốt nghiệp Đại học. Anh xóa bỏ tất cả những dấu vết khiến mọi người có thể tìm thấy mình, đổi tên thành Alexander Supertramp (supertramp: siêu lang thang). Lý tưởng của anh là tìm về hoang dã, đi đây đó để gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận một cuộc đời trọn vẹn. Trước khi chết vì đói trong một chiếc xe bus bỏ hoang, anh viết lại rằng mình đã có một cuộc đời hạnh phúc và cảm ơn Chúa vì điều đó. Nhìn phong thái điềm nhiên với nụ cười nhẹ nhõm trong tấm hình trên, người ta tin là Chris nói thật: anh hạnh phúc với cuộc đời anh chọn.
Đạo diễn Sean Penn thuộc số rất nhiều nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ câu chuyện của Chris. Ông đã tái hiện lại hành trình hạnh phúc đó qua gần 150 phút phim tự nhiên, sống động và cảm động.
1. Chất tài liệu
Trong phim, thỉnh thoảng ta bắt gặp một vài nhân vật có cá tính, có một cuộc đời để kể, như vợ chồng Jan Burres và Rainey, hay ông cụ Ron Franz. Còn lại, hầu như cảnh phim chỉ xoay quanh Alex và hành trình của anh. Không tạo ra những chi tiết kịch tính, không xây dựng nhiều đối thoại, "Into the wild" có dáng dấp một bộ phim tài liệu.
Vai diễn của Emile Hirsch giúp đạo diễn thể hiện rõ nét hơn tính chất tài liệu này. Emile Hirsch là một diễn viên có chiều cao trung bình và một khuôn mặt có thể nói là không mấy "điện ảnh". Khi anh diễn vai Alex, ta cảm giác như anh đang không diễn. Cái nhìn, nụ cười, cách nói đều hết sức tự nhiên, thật thà. Người xem nhìn thấy ở đó một chàng trai rất trẻ, có phần khờ dại nhưng chân thành, vô tư, suy nghĩ rất sâu sắc nhưng dường như không phải là kiểu người suy nghĩ quá nhiều, thiết tha thái quá với niềm tin của mình, ham bày tỏ, khẳng định. Alex không xác tín, cũng không tính toán cặn kẽ. Anh chỉ liên tục lên đường, liên tục đi. Đó là cách để người siêu lang thang duy trì cuộc sống.
Hành trình của Alex giống như hành trình của một con người đời thường nào đó ta vẫn thường thấy trong một cuốn ký sự. Ở đây, cuốn ký sự bày ra trước mắt người xem những khung cảnh vừa đơn sơ vừa hùng vĩ của một thế giới tự nhiên không hề qua bàn tay sắp xếp, điểm trang. Sự phong phú của ngọn núi đá, cơn lũ mạnh, con đường bụi bặm, lùm cây dại được ghi lại với chiếc máy quay hơi xô lệch và rung lắc. Xen vào giữa chúng là những dòng chữ ngắn được ghi trong nhật ký của Alex. Rất ngắn, chủ yếu chỉ mang thông tin. Tất cả những thứ đó làm cho phim thật hơn, không có màu sắc ca ngợi (như nhiều bộ phim dựa trên nhân vật thật), cũng không có vẻ lên gân để truyền tải một thông điệp nào đó về cuộc đời.
2. Con người đi tìm
Con người đi tìm dường như là kiểu con người/nhân vật quá quen thuộc với người đọc sách/xem phim. Cũng giống như chúng ta tìm kiếm điều gì đó trong một bộ phim, những nhân vật của chúng ta cũng đi tìm. Đa số các bộ phim sẽ để cho nhân vật tìm kiếm thật lâu và tìm thấy. Một nơi chốn phù hợp, một người tri kỉ hiểu mình, một triết lý mà mình nhận ra ở cuối hành trình. Alex/Chris cũng là một người đi tìm, nhưng anh không "tìm thấy", anh chỉ "tìm". Hoặc có thể anh "thấy" mọi thứ rất lâu từ trước khi anh "tìm". Cái thú vị trong chuyến "đi hoang" của Alex nằm ở trên chính chuyến đi.
Ban đầu, dĩ nhiên người xem nào cũng tò mò về kết thúc, và mong chờ một kết thúc nào đấy "hoành tráng" chút cho xứng với lý tưởng của nhân vật. Chẳng ai ngờ anh chết thê thảm ở cuối phim. Nghĩa là rốt cục anh chẳng "thấy" được gì. Alaska chỉ là một giấc mơ đơn thuần tại thời điểm đó. Nhiều người qua cái kết này phê phán lý tưởng của Alex. Nhưng anh lại hạnh phúc cho đến lúc trút hơi thở nặng nhọc cuối cùng, bên ô cửa xe với đôi mắt mở to nhìn lên bầu trời chói sáng, không tiếc nuối Alaska, không hối hận hay nhớ thương ai. Ngẫm lại, anh đã có những ngày tháng dài và ý nghĩa hơn toàn bộ phần đời trước đó của mình. Cái hay, như đã nói, chính là con đường, là bản thân cuộc hành trình. Thật ra điều này người ta cũng đã nói nhiều tới mức trở nên nhàm chán rồi.
Alex là kiểu người minh triết hay quá ngây thơ khi đi mà không chịu chuẩn bị, tính toán cẩn thận, để rồi chết quá sớm như vậy? Người ta vẫn còn tranh cãi mãi về điều này. Nhưng trong khi ấy, Alex hay Christopher McCandless vẫn không ngừng tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho con người về một cuộc đời tự do, nguyên sơ kỳ lạ.
3. Chủ nghĩa cảm thương
Tôi thắc mắc bao phần sức hút của bộ phim đến từ sự cảm thương và những dòng nước mắt mà các nhân vật khác và người xem dành cho chàng trai lang thang? Alex vô tư tới nỗi anh không cần biết rằng anh là nỗi đau nặng nề của cả gia đình kể từ khi quyết định phó thân mình cho tự nhiên, bặt vô âm tín. Alex biết những người bạn anh gặp trên đường đi ai cũng lo lắng cho anh, yêu thương anh như đứa con trẻ dại, thậm chí đau xót cho anh, nhưng anh không bao giờ bày tỏ sự cảm động và mềm lòng vì còn phải sống cuộc đời của mình. Người xem không ngừng dự cảm được những điều anh sẽ gặp phải, và càng tới cuối phim càng không thể chịu đựng được hình ảnh cái chết đang dần dần đến với nhân vật của mình. Chứng kiến nỗi sợ hãi, sự gắng gượng, từng động thái chuẩn bị nhỏ nhặt cho cái chết của Alex, người ta lại nhớ đến chàng trai trẻ có khuôn mặt vuông vức, nụ cười thật thà ở đầu phim, hai hình ảnh đối lập thảm thương. Và suy nghĩ ấy là trải nghiệm khó khăn nhất của tôi khi xem phim này.
Tôi thuộc kiểu người xem không thể chống lại chủ nghĩa cảm thương trong những tình huống như vậy. Xem tới cuối phim tôi nghĩ: mình có nên căm ghét những bộ phim lấy nước mắt người xem nữa không đây?
P/s: Hè này tôi lúc nào cũng vớ phải phim buồn rụng buồn rời. Càng lăm le poster tươi sáng, càng gặp trúng phim thê thảm, buồn bã. Hôm qua là The wind rise. Hôm nay là Into the wild.
Nhận xét
Đăng nhận xét