Viết
Càng ngày tôi
càng không dứt được viết. Càng ngày tôi càng thấy viết là một công việc quá sức
hay ho. Tôi nói cho bạn nghe nhé.
Hồi xưa tôi
thích viết vì thích đọc những gì mình viết – những câu có kết cấu và nhịp lạ lạ,
những từ ngữ ra vẻ giáo sư kính cận hoặc thi sĩ đuổi bướm bắt chuồn chuồn. Nói
như thầy Toàn, viết được những lời hay thấy mình có giá trị hẳn lên. Mà cũng
đúng thế, đúng thế đấy. Ngôn ngữ phản chiếu tư duy và tâm hồn. Tôi thực sự
không tin lắm cái gọi là tâm hồn ở những người ăn không nên đọi nói không nên lời.
Với tôi, hẳn nhiên, được khen viết hay là một niềm vui to lớn.
Thế nên viết – đó chính là quá trình rèn
giũa, trau chuốt ngôn từ. Nói đến đây lại nhớ hồi xưa học bao nhiêu là thứ về
lao động ngôn từ của nhà văn. Nào là đãi bờ cát đãi lòng sông, nào là lọc chất
hiếm radium trong tấn quặng ngôn từ…
Nhưng suy nghĩ
trên là
sai, tất nhiên.
Nếu viết chỉ
vì cái đẹp của ngôn từ, tôi thấy mình giả dối, khổ sở.
Tôi lại đi tìm.
Lần này tôi muốn
một thứ văn chạm sâu vào tâm hồn (của những ai có tâm hồn). Tôi đã viết như
trút từng dòng máu nhỏ của mình. Tôi đã viết trong đau đớn (thật đấy!). Tôi đã
viết trong phấn hứng bấn loạn. Tôi đã viết trong tất cả ước muốn, thất vọng, và
cả cảm giác hư vô về cuộc đời. Tôi đã viết bằng lòng bao dung ghê gớm, như thể
tôi muốn ôm lấy tất cả những nỗi đau bé bỏng của mọi người. Tôi đã viết mà nước
mắt ứa đầy từng quãng nghĩ giữa hai chữ. Tôi đã viết khi đêm không tài nào chợp
mắt. Tôi đã viết khi đang đêm bật dậy. Tôi chép lại những giấc mơ. Tôi viết về
việc những giấc mơ đã đổ nát như thế nào trong cuộc đời mình.
Và tôi lần nữa tỉnh ngộ: viết – đó là niềm
vui của những tâm tình được thổ lộ và xoa dịu. Viết – đó là niềm hạnh phúc mong
manh chắt từ những đau khổ bộn bề của đời.
Nhưng rồi tôi
lại nhầm thêm một lần nữa.
Tôi không được
cho phép mình chuồi theo dòng cảm xúc. Tôi chẳng có quyền gì như thế. Khi tôi mải
mê đeo đuổi những cảm xúc nông nổi mà cứ nghĩ đó chính là sự lên tiếng của chiều
sâu tâm hồn, tôi thấy mình đang buông thả, dễ dãi. Đòi những trang viết ướt át
được hiểu, nghĩa là tôi đang đòi một thứ tự do vô lý. Tôi chưa đọc Bàn về tự do, cho nên chưa thể chụp ảnh
post lên fb và viết những dòng ngăn ngắn (cũng cố đắp thêm cả tấn ngôn từ rồi
nhưng vẫn không làm sao mà dài nổi, thông cảm vậy hì hì) nhưng đầy nhiệt tình,
tán tụng cuốn sách (những dòng làm ra vẻ mơ hồ đáng kinh tởm, giấu bên trong chính
xác là sự mơ hồ về nhận thức – giống như thứ văn thỉnh thoảng tôi vẫn viết). Tôi
chưa biết gì về Bàn về tự do cả. Nhưng
tôi nghĩ, có những thứ ở bên trong ta phải được vận hành theo một kỉ luật thép,
nghĩa là chúng tuyệt đối không cần tự do. Khi nghĩ như vậy, tôi không đề cao nhu cầu được mơn trớn của
cái tôi nữa. Tôi biết nó vẫn chịu được nghiệt ngã, nhưng không bằng cách đứng
thẳng như những kẻ khác, mà bằng cách ngã xuống thật sâu dưới hố, đau đớn nát
nhừ tả tơi, rồi sau đó lại đứng lên, dùng nỗi đau như một vũ khí kinh nghiệm,
vượt lên những kẻ không có vũ khí đó.
Thế thì, lúc
này, viết, với tôi, là gì?
Viết với tôi chính là kỉ luật thép đó.
Tôi yêu từng khoảnh khắc nhỏ mà mình dõi theo suy nghĩ. Tôi yêu cách tôi nhìn
chúng và viết ra chính chúng chứ không phải cái na ná chúng. Tôi yêu sự cẩn trọng,
chậm rãi. Qua từng ý thức, tôi sẽ hiểu được tư duy mình, kiểm soát nó, và thay
đổi.
Ôi, đột nhiên
tôi chỉ muốn nói thật tha thiết với những người ít ỏi đang dõi theo tôi: đừng nản,
đừng lo, hãy cứ dõi theo tôi, tôi sẽ thay đổi. Vì tôi thấy viễn cảnh người cười
trong im lặng và mãn nguyện, nụ cười nhân từ, nụ cười yêu tôi nhất thế gian.
Viết – đó chính là hành động giám sát
mình nghiêm ngặt.
Viết – đó là việc ghi lại những gì thật
có trong tâm trí. Đi vào sâu bên trong và hiểu được nội tâm, tất yêu ta sẽ thấu
triệt mọi lẽ đời ở bên ngoài. Chắc chắn là như vậy.
Tôi không bao
giờ chọn các hoạt động công ích hướng ngoại. Tôi không muốn làm việc tốt giúp
người. Đơn giản, vì tôi chưa hiểu được tôi. Các bạn thì khác, các bạn chắc đã
hiểu được mình, có thể thoải mái kể về những gì mình làm được, về chuỗi công trạng,
có thể thoải mái phán xét và không bao giờ, không thể có bao giờ cần nghĩ ngợi
về hàm lượng sự thật trong lời nói của bạn cũng như cảm xúc của người nghe. Các
bạn có thể đàm tiếu xong về nhà ngủ ngon. Tôi không xét các bạn.
Viết – đó là cách đỡ khó khăn hơn cả và
có lẽ hữu hiệu hơn cả để hiểu về mình.
Viết – tôi rèn giũa tư duy.
Cuối cùng thì, đấy, viết, chính là tư
duy.
Và đó là tất cả
niềm vui của tôi.
***
Giờ đây, mỗi
khi viết một câu dễ dãi với bản thân, “từa tựa sự thật”, tôi nghĩ tôi đã làm
đau những câu văn chân thật hiếm hoi của mình. Chúng chẳng có tội gì mà bị tôi
đánh lẫn vào đám ô hợp như thế!
Nhận xét
Đăng nhận xét